Gần 80 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Sơn La đã phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", cùng lực lượng vũ trang cả nước viết nên trang sử vàng truyền thống "Trung thành, tự lực, đoàn kết, anh dũng, chiến thắng". Những chiến công, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang các thời kỳ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc là những "khúc quân hành" vang mãi đến hôm nay và mai sau.
Góp sức làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Sơn La đã huy động 21.687 dân công và 2.434.759 ngày công, cùng với nhân dân các tỉnh vận chuyển 4.450.000 tấn hàng hoá ra mặt trận. Toàn tỉnh đã tuyển 1.043 tân binh, 1.151 dân quân du kích. Đồng bào các dân tộc Sơn La gửi ra mặt trận Điện Biên Phủ 3.607 tấn gạo; trên 144 tấn thịt các loại; gần 3 tấn mỡ, 140 tấn rau xanh các loại. Tiểu đoàn 91 (Trung đoàn Sơn La) trực tiếp tham gia chiến đấu và lập công xuất sắc.
Chúng tôi tìm gặp Thiếu tướng Lò Văn Nhài, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân khu II, tại bản Tân Ba, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, là một trong những người được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Phòng khách của gia đình Thiếu tướng treo nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương được các cấp, các ngành tặng thưởng, ghi nhận những đóng góp của ông trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Năm nay, ông Nhài đã ở tuổi 88, nhưng ông vẫn nhớ rất rõ những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Ông kể: Tròn 17 tuổi, tôi trốn gia đình nhập ngũ. Sau khi hoàn thành huấn luyện, được giao nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm từ chân đèo Lũng Lô, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên đến bến phà Tạ Khoa, huyện Bắc Yên. Thời gian đó, địch đánh phá ác liệt tại các điểm đèo Lũng Lô, dốc Noong Đa (nay là dốc Cao Đa, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên). Tôi và đồng đội cùng nhân dân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tuyến đường 41 (quốc lộ 6 ngày nay) và tuyến đường 13 (quốc lộ 37 ngày nay) là hai tuyến hành quân quan trọng của quân dân ta. Tuyến đường 13 đi qua khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên, là điểm nghỉ chân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đoàn sĩ quan chỉ huy chiến dịch, cùng các đơn vị của Đại Đoàn 312, 315, 316 hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ. Thời điểm đó, ông Nhài được đơn vị giao nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ vòng ngoài khu vực đóng quân của Đại tướng và Đoàn sĩ quan.
Đưa cho tôi xem bức ảnh kỷ niệm chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nhài xúc động: Lúc đó, chúng tôi không biết là mình vinh dự được bảo vệ Đại tướng. Đến khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, thông tin này mới được công bố, chúng tôi thấy thật tự hào. Khu rừng nơi Đại tướng nghỉ chân năm xưa, được nhân dân bản Nhọt gọi với cái tên thân thương là “Rừng Tướng Giáp”.
Sau này, được phong Thiếu tướng và đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, "Tướng" Nhài luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trở về với cuộc sống đời thường, ông tiếp tục gương mẫu, cống hiến, toả sáng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" trên lĩnh vực xây dựng cuộc sống mới tại địa phương.
Tây Nguyên trong mùa xuân đại thắng
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, đưa non sông về liền một dải. Trong những năm tháng đó, cùng với hàng triệu thanh niên cả nước xung phong ra mặt trận, tỉnh Sơn La cũng có hàng nghìn thanh niên tình nguyện nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu. Trong số đó, có thanh niên Lù Quốc Quân, bản Panh, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tham gia chiến đấu tại mặt trận B3 - Tây Nguyên.
Trong niềm tự hào và xúc động, ông Quân kể: Năm 1973, tròn 19 tuổi, tôi xung phong nhập ngũ và huấn luyện tại Tiểu đoàn 57, Quân khu Tây Bắc. Đơn vị chúng tôi hành quân vào huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An; tiếp tục huấn luyện đến tháng 12/1974. Nhận lệnh điều động, chúng tôi hành quân vào B3 với phương châm “Vừa hành quân, vừa huấn luyện”. Đến đầu năm 1975, đơn vị được biên chế vào Sư đoàn 316, nhận nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên, vào thị xã Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trong 10 tuần trước khi mở màn trận đánh ngày 10/3/1975, ông Quân được giao nhiệm vụ trinh sát nắm chắc địa bàn, địa hình, tình hình địch để báo cáo với Bộ Tư lệnh chiến dịch. "Chúng tôi đã trinh sát, nắm thật chắc tình hình địch, ước lượng số lượng xe, số lính ra - vào đồn và đảm bảo cho bộ đội tập kết, tiến hành vượt sông ở phía Nam bờ sông Sê Rê Pốc", ông Quân kể tiếp.
Căn cứ vào thông tin trinh sát, Bộ Tư lệnh tính toán, xây dựng phương án tác chiến hiệu quả. Tiếng súng mở màn trận Buôn Ma Thuột bắt đầu, với khí thế lên cao, bộ đội ta đã giành chiến thắng, làm bàn đạp để giành thắng lợi quyết định vào ngày 30/4/1975.
Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột và kết thúc chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn 316 và các sư đoàn 10 và 320 được thành lập theo đội hình Quân đoàn 3, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh theo hướng Tây Bắc Sài Gòn. Ông Quân và đồng đội tiếp tục nhiệm vụ trinh sát khu vực Hố Bò, huyện Củ Chi và tìm điểm vượt sông Sài Gòn tại Bến Xúc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Củ Chi, đơn vị ông nhận nhiệm vụ chuyển sang đánh, chia cắt đường tiến quân, chi viện của địch theo hai hướng về Sài Gòn tại huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Tại đây, ông Quân và đồng đội tiếp tục trinh sát khu vực Đồng Dù, “cánh cửa thép” phía Tây Bắc của Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh được phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn đã kết thúc những tháng năm gian khổ kháng chiến. Ông Quân cùng đồng đội ôm chặt nhau, vui mừng khôn xiết, chứng kiến phút giây đất nước hoàn toàn giải phóng.
“Sống bám đá đánh giặc - Chết hóa đá bất tử”
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Vị Xuyên, Hà Giang, là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc trong suốt 10 năm (1979-1989). Mỗi khi nhớ về những địa danh như Vị Xuyên, ngã ba Thanh Thủy hay các điểm cao 1509, 600, 685…, những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu nơi đây lại đau đáu nỗi nhớ thương những đồng đội đã anh dũng nằm lại chiến trường. Chiến đấu trên địa hình bao quanh là núi đá, mỗi một điểm cao ở Vị Xuyên đều thấm đẫm máu xương của những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cựu chiến binh Phạm Xuân Trường, tổ 15, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, là một trong những chiến sĩ thuộc Trung đoàn 754 (Bộ CHQS tỉnh Sơn La) tham gia chiến trường Vị Xuyên. Trong ký ức của ông vẫn còn khắc sâu hình ảnh những trận chiến quyết liệt, sự hy sinh anh dũng của những người đồng đội để giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đơn vị của ông Trường được phân công giữ điểm cao H6, bình độ Cót Éc và phòng ngự phía Đông, điểm cao 812 - ngã ba Thanh Thủy.
Ông Trường ngậm ngùi: Sau khi ổn định tại nơi đóng quân, đơn vị tôi tham gia trận đánh chiếm lại cao điểm 685 với mật danh M2. Đó là trận chiến mà tôi và những người còn sống trở về sẽ không bao giờ quên, thực sự rất khốc liệt.
Theo ông Trường kể lại, ngày 19/7/1985, bắt đầu chiến dịch M2 đánh chiếm điểm cao chiến lược 685, nhưng công tác chuẩn bị đã kéo dài 4 tháng trước đó. Do địa hình hiểm trở, số lượng xe vận tải ít, cùng với việc địch nã pháo liên tục, nên bộ đội phải gánh, gùi từng quả đạn cối, đạn pháo từ hậu phương vào trận địa. Mỗi chiến sĩ được giao mang vác khoảng 6 quả đạn cối và 1 quả đạn pháo trong một ngày đêm, chưa kể đến vũ khí, đạn dược phục vụ cho bộ binh chiến đấu. Đúng 4 giờ sáng ngày 19/7, bộ đội ta mở màn chiến dịch M2 với loạt đạn pháo bắn khoảng 30 phút áp chế quân địch. Sau đó, bộ binh tiến công làm ba hướng tiến đánh điểm cao 685 với hướng chủ yếu là bốn hầm (4 cửa hang), tiến lên điểm cao, do Đại đội 5 của Trung úy Nguyễn Hoài Nam chỉ huy. Sau khoảng 40 phút xung phong quyết thắng, bộ đội ta đã chiếm và cắm cờ tại điểm cao 685. Tin này được báo ngay về Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 2. Trung đoàn 754 đã được lãnh đạo Bộ và Quân khu 2 điện khen vì có thành tích chiến đấu tốt.
Trong trận đánh này, bộ đội ta thương vong rất nhiều. Ông Trường trầm giọng: Trung úy Nguyễn Hoài Nam hy sinh sau 30 phút tiến công do trúng đạn pháo. Sau khi tan sương mù, địch thấy cờ của ta cắm trên điểm cao 685 nên đã nã pháo 3 ngày liên tục. Con số thương vong tăng cao, nhưng bộ đội ta quyết tâm bám trụ để giữ bằng được điểm cao 685. Sau đó, chỉ huy đơn vị lệnh cho bộ đội rút về điểm tập kết để bảo toàn lực lượng. Sau chiến dịch M2, đến năm 1987, Trung đoàn 754 được phân công phòng ngự tại điểm cao 1250, xã Minh Tân, thay cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 3.
Hiện nay, ở mỗi khe đá tại các điểm cao ở Vị Xuyên vẫn còn những người lính nằm lại, họ đã “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”.
Giúp bạn là tự mình giúp mình
Những năm 1960, khi cách mạng Lào ở tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" đã có sự chi viện kịp thời của Đảng bộ, nhân dân và LLVT Sơn La. Đầu năm 1961, Khu uỷ Tây Bắc giao nhiệm vụ cho các đơn vị biên phòng thuộc Sơn La phối hợp với LLVT cách mạng Lào tổ chức nhiều trận chiến đấu chống bọn phái Hữu lấn chiếm vùng giải phóng của bạn, đấu tranh chống bọn biệt kích Mỹ- Diệm và bọn phản động lưu vong trong "Liên bang Thái", mượn đất Lào để hoạt động chống phá cách mạng nước ta.
Theo yêu cầu giúp đỡ của nước bạn Lào, Trung đoàn 148 của tỉnh Sơn La được tăng cường thêm một đại đội sang chi viện cho bạn giải phóng Mường Son, Pha Bông, vây đánh địch ở Tòng Cọ, đẩy địch lùi xa biên giới. Ngoài ra, năm 1962, LLVT tỉnh Sơn La và dân công còn chi viện cho các chiến dịch Luông Nậm Thà; chiến dịch Nậm Bạc năm 1968; mặt trận cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng năm 1972... Sau hiệp định Viêng Chăn (2/1973), LLVT của tỉnh ta tiếp tục làm nhiệm vụ giúp bạn vận chuyển hàng chiến lược và tiến công địch cho đến khi cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn. Dấu chân của các chiến sĩ tình nguyện là con em các dân tộc Sơn La đã in đậm khắp các bản mường của các tỉnh Bắc Lào.
Kể cho chúng tôi về những năm tháng tham gia chiến đấu giúp nước bạn Lào, Thiếu tướng Cầm Xuân Ế, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, nhớ lại: Tôi nhập ngũ tháng 6/1968, được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Sau thời gian huấn luyện, đơn vị chúng tôi nhận lệnh bổ sung chiến đấu giúp bạn Lào tại các tỉnh Bắc Lào. Tại điểm cao Pa Thí, ở Sầm Nưa (nay thuộc tỉnh Hủa Phăn), Mỹ đặt đài ra đa có thể quan sát được cả một vùng rộng lớn; điều 3 đại đội thông tin là lính Mỹ cùng một trung đoàn phỉ Vàng Pao bảo vệ. Đây là núi đá cao, chỉ có một đường đất duy nhất để lên, địch phòng ngự nghiêm ngặt, xung quanh được bố trí nhiều công sự phòng ngự, quân ta rất khó tiến công.
Bộ Quốc phòng lệnh cho Trung đoàn 148 chiếm đánh điểm cao này. Tháng 12/1968, Quân khu lệnh cho đơn vị từ Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tiến đánh Pa Thí. Trên đường hành quân, gặp nhiều tốp máy bay địch trinh sát, đánh phá nên đơn vị chủ yếu hành quân vào ban đêm và phải vượt qua sông Nậm Nơn (một nhánh của sông Mã chảy bên Lào) để tiếp cận Pa Thí. Ngoài thép gai, công sự phòng thủ của địch còn có nhiều hàng cây sắc, nhọn được chặt và xếp ngược gốc cây phía đỉnh dốc, bộ đội ta gọi là hàng rào sừng nai.
Trung đoàn mở trận đánh, tiếp cận dùng mìn định hướng phá hàng rào sừng nai, lấy tiếng nổ làm tín hiệu mở màn trận đánh. Lệnh xung phong được phát, bộ đội ta đồng loạt tiến công theo nhiều hướng và kết hợp với lực lượng Đặc công để phá hủy đài ra đa. Sau gần 10 phút giao tranh, ta chiếm được điểm cao Pa Thí, địch không còn ra-đa quan sát nên đã hạn chế được việc đánh phá của địch từ Hà Nội - Sơn La - Điện Biên. Ngay khi địch rút chạy, Trung đoàn trưởng Hoàng Chim lệnh cho đơn vị đón lõng đường rút của địch để đánh, sau đó rút quân.
Dừng giây lát, ông Ế Kể tiếp: Năm 1972, Bộ Quốc phòng lệnh cho bộ đội ta di chuyển sang Xiêng Khoảng - cánh đồng Chum - điểm chốt ở đây là lính phỉ Vàng Pao ở Lào, bên cạnh có một ngôi chùa khá lớn. Buổi tối trước trận đánh, tôi cùng Đại đội trưởng lên sườn đồi khảo sát trận địa, nhằm tránh việc pháo kích vào chùa, mà bắn xung quanh ép địch co cụm. Tối hôm sau, đơn vị nổ súng đánh địch với nhiều loại hỏa lực chi viện, nhưng cũng phải mất 2 lần xung phong mới tiến lên được. Khi chiến sĩ bắn B40 hy sinh, Trung đội trưởng giao súng cho tôi, dù chưa sử dụng súng B40 lần nào, nhưng phát đạn thứ hai, tôi đã bắn trúng kho đạn của địch, súng đạn nổ vang trời. Sáng hôm sau địch phản kích, bộ đội tổ chức trận địa phòng ngự, sau đó rút lên điểm cao củng cố lực lượng và rút về Mộc Châu. Còn tôi được điều động về Đại đội 23 - trinh sát đặc công thuộc Trung đoàn 148.
Tham gia chiến dịch thứ 2 đánh chiếm lại vùng ven cánh đồng Chum, cuối năm 1972, ông Ế được cử đi học sĩ quan lục quân. Hai năm sau tốt nghiệp, được điều động về Sư đoàn 316 làm nhiệm vụ nghi binh tập kết tại Nghệ An rồi nhập vào Sư đoàn 316 ở Nghĩa Lộ. Sau đó, ông Ế được điều động về Trung đoàn 82 chiến đấu ở Mặt trận 379 (Bắc Lào), đảm nhiệm chức danh Đại đội trưởng. Tháng 2/1979, ông cùng đơn vị trở về bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Thời gian sau đó, ông đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong quân đội và đến đầu năm 2010, ông được phong Thiếu tướng. 6 năm sau, ông về nghỉ chế độ hưu trí. Phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", Thiếu tướng Cầm Xuân Ế tiếp tục đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Hội CCB tỉnh hai khoá. Trong thời gian này, ông đã cùng Ban Chấp hành Hội kêu gọi xã hội hoá, xoá được gần 500 nhà tạm cho hội viên CCB nghèo, khó khăn về nhà ở.
Chiến tranh đã lùi xa, những chiến sĩ kiên trung của quê hương Sơn La năm xưa người còn, người mất, nhưng truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” của họ mãi toả sáng cho thế hệ trẻ hôm nay, nhất là các thế hệ trong LLVT tỉnh noi theo, góp sức xây dựng LLVT chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
(Còn tiếp)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!