Quỳnh Nhai chú trọng xây dựng sản phẩm OCOP

Việc triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Quỳnh Nhai được xem là “cú hích” tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Quỳnh Nhai đã có 3 sản phẩm được đánh giá và xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, gồm: Cá tép dầu của HTX Thái Tuấn, mật ong Chiềng Khay của HTX Lò Mạnh Sáng và trà cỏ ngọt của HTX Thảo Mộc. Có 2 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021, đó là cá tép dầu của HTX Thái Tuấn, xã Mường Giàng và nước mắm Thu Hải của HTX cơ khí Xuân Hải, xã Chiềng Bằng. Hiện nay, các sản phẩm OCOP bắt đầu được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng, tiêu thụ nhiều ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng...

Sản phẩm cá tép dầu của HTX Thái Tuấn (Quỳnh Nhai) đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Năm 2022, Quỳnh Nhai tập trung xây dựng 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên, gồm: Gạo nếp tan và sản phẩm tinh dầu sả của HTX Tú Châu; chả cá sông Đà của cơ sở sản xuất kinh doanh Đào Thị Hiếu và sản phẩm mắm tép sông Đà Phương Giang của cơ sở sản xuất, kinh doanh Mai Thị Tuyến. Đến nay, cơ bản các hộ, HTX đăng ký tham gia chương trình đã hoàn thiện hồ sơ sản phẩm; đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến.  

Với lợi thế về mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, người dân Quỳnh Nhai đang đẩy mạnh nuôi và đánh bắt thủy sản. Từ nguồn cá tự nhiên sông Đà, người dân đã tạo ra các sản phẩm, như nước mắm cá mương, cá mương phơi khô, mắm tép sông Đà, cá sấy khô... Đến thăm cơ sở sản xuất sản phẩm mắm tép sông Đà Phương Giang của bà Mai Thị Tuyến, xóm 1, xã Mường Giàng. Trước đây, bà Tuyến làm sản phẩm chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và làm quà tặng người thân, bạn bè. Sau một thời gian, thấy nhu cầu thị trường tăng, bà Tuyến quyết định đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Tham gia chương trình OCOP, cơ quan chuyên môn của huyện đã hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ về sản phẩm và hướng dẫn xây dựng khu vực sản xuất, chế biến. Hiện nay, sản phẩm mắm tép sông Đà Phương Giang đang được đưa vào bán tại Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản tiêu biểu của huyện. 

Nhiều sản phẩm của Quỳnh Nhai được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam.

Bà Mai Thị Tuyến cho biết: Tham gia chương trình OCOP, cơ sở được huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng xưởng chế biến. Hiện nay, đang triển khai xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, tiến tới hoàn thiện hồ sơ minh chứng sản phẩm và sản phẩm được “gắn sao” OCOP, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương tới người tiêu dùng.

Với nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất, việc chế biến, sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt ở Quỳnh Nhai của HTX cơ khí Xuân Hải, xã Chiềng Bằng, đã tạo ra sản phẩm đặc trưng. Từ năm 2014 đến nay, HTX đã xuất ra thị trường trên 8.000 lít nước mắm thượng hạng, giá bán 60.000 đồng/lít; sản phẩm nước mắm của HTX đã được Sở Y tế cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Tòng Văn Hải, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX đã chủ động đầu tư nghiên cứu về kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, mẫu thùng đựng; sản phẩm được đóng chai thủy tinh, có tem nhãn, QR Code tạo thiện cảm cho người tiêu dùng. Sản phẩm nước mắm của HTX được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đánh giá đạt chuẩn 3 sao và được lựa chọn tham gia sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu nước mắm riêng của Quỳnh Nhai dựa trên nguồn lợi thủy sản sẵn có. Năm 2021, sản phẩm được công nhận là 1 trong 27 sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. 

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất dựa trên tiềm năng thế mạnh. Đồng thời, đưa chương trình OCOP vào Nghị quyết của cấp ủy các cấp để có kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp. Rà soát các sản phẩm tiêu biểu của các xã, có tiềm năng phát triển thành sản phẩm hàng hoá lồng ghép vào công tác triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tổ tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã, các hộ gia đình kinh doanh triển khai thực hiện các thủ tục hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP cấp huyện theo quy định. Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân ghi nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Thành viên HTX Thảo Mộc (Quỳnh Nhai) đóng gói sản phẩm trà cỏ ngọt.

Phát triển các sản phẩm lợi thế, nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển chương trình OCOP. Đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường để các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP có điều kiện thuận lợi nhất trong phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm tiềm năng. Từ đó, khai thác tiềm năng, lợi thế về nông, lâm, thủy sản của địa phương, tạo liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới