Hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tiến gần với công nghệ số

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội... của các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được đánh giá là hướng đi hiệu quả, đa dạng cách thức quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Thành viên HTX Nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu đưa sản phẩm xoài sấy dẻo lên sàn thương mại điện tử Shopee.

 

Toàn tỉnh hiện có gần 800 HTX, 6 liên hiệp HTX, trong đó có 740 HTX nông nghiệp; với 34.360 thành viên; tổng vốn điều lệ trên 101 tỷ đồng; doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/năm. Trong tổng số 740 HTX nông nghiệp, có 184 HTX có tổ chức dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, 86 HTX tham gia liên kết, 49 HTX sở hữu sản phẩm OCOP, gần 200 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh mới có khoảng 20% số HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khoảng 40% HTX ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm. Đẩy mạnh sử dụng thương mại điện tử là điều kiện thuận lợi để các HTX trong tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh toàn quốc đang tích cực xây dựng nền kinh tế số. Chúng tôi tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX đổi mới tư duy kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, xây dựng mã truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, nhất là các tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường tập huấn, đào tạo các HTX, tổ hợp tác và các thành viên về kỹ năng bán hàng, tổ chức chương trình mua bán trực tuyến để giúp các HTX, tổ hợp tác ngày càng tiến gần hơn với công nghệ số, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ thụ sản phẩm.

HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, hiện đang trồng và chăm sóc 50 ha na sạch, sản lượng hàng năm đạt 600 tấn, thu nhập bình quân từ 850 - 900 triệu đồng/ha. Tất cả các sản phẩm của HTX được bao trái, để có mẫu mã và chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài ra, HTX đã áp dụng công nghệ tưới ẩm, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, xây dựng sản phẩm na sạch đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP. Ông Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX cho biết: HTX luôn linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Từ năm 2020 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các sản phẩm của HTX đều đặn xuất ra thị trường. Các thành viên sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo đăng tải hình ảnh, video về quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch. Đồng thời, đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, như Sendo, Voso, Shopee... Qua đó, sản phẩm của HTX được thị trường đón nhận tích cực hơn, người mua tin tưởng hơn; đối tượng khách hàng của HTX ngày càng mở rộng, số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ tăng đáng kể.

Còn HTX Thái Tuấn, huyện Quỳnh Nhai, có sản phẩm cá tép dầu khô Sông Đà - sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, là một trong những đơn vị đầu tiên đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử Sendo (sendo.vn). Bà Lê Thị Yến, Giám đốc HTX, chia sẻ: Khi tham gia sàn thương mại điện tử Sendo, sản phẩm cá tép dầu khô Sông Đà được khách hàng ở 63 tỉnh, thành phố biết đến. Nhờ đó, tìm được các nhà phân phối lớn, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trên sàn thương mại điện tử, HTX đã hoàn thiện nhà xưởng sản xuất và đang lên kế hoạch mua thêm 1 máy sấy năng lượng mặt trời thay cho phương pháp chế biến truyền thống, trung bình mỗi ngày sấy 70 kg đến 100 kg cá tép dầu, tăng gấp 10 lần so với hiện nay.

Song song với việc hỗ trợ, tập huấn, giúp các HTX đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, Liên minh HTX Việt Nam đã thành lập và đưa vào vận hành Cổng thông tin kết nối cung - cầu sản phẩm tại địa chỉ: lmhtxvnmart.com.vn. Cổng thông tin hoạt động giống như một trang thương mại điện tử, cho phép các HTX, tổ hợp tác trên toàn quốc đăng tải thông tin các sản phẩm của mình, kết nối với các doanh nghiệp phân phối, chế biến, đơn vị vận chuyển và người tiêu dùng trong nước, quốc tế. Tại tỉnh Sơn La, đã có trên 30 sản phẩm nông sản của các HTX đăng tải trên cổng thông tin này, thu hút gần 1.000 nghìn lượt truy cập và hàng chục đơn đặt hàng/tuần.

Thương mại điện tử có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể. Do đó, cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho HTX; triển khai các giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động thương mại điện tử cho các HTX phù hợp và thiết thực.

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới