Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Sơn La đang rà soát những chính sách phù hợp, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết về đất đai, thủ tục để thu hút các doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào địa bàn.
Cải thiện chỉ số gia nhập thị trường cho doanh nghiệp
Chỉ số gia nhập thị trường năm 2020 tỉnh Sơn La đạt 8,31 điểm, (theo đánh giá PCI) là chỉ số có tổng điểm được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong 10 chỉ số thành phần. Đánh giá PCI năm 2021 chưa công bố nhưng trong năm 2022, tỉnh ta đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, như: Rà soát bộ thủ tục hành chính (TTHC); tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện và sở, ngành (DDCI) năm 2022, gắn kết quả đánh giá DDCI với việc cải thiện năng lực điều hành của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố; các ngành chủ động giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động cho doanh nghiệp, đặc biệt đối với thủ tục cấp phép điều kiện kinh doanh và một số giấy phép phát sinh khác...
Dự án Khu du lịch Mộc Châu Island tại xã Mường Sang của Công ty cổ phần Du lịch 26 Mộc Châu đang được đẩy nhanh tiến độ.
Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, với các mục tiêu, như: Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Hiện, tỉnh ta đang triển khai xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025.
Xây dựng chỉ tiêu thu hút đầu tư
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh ta phấn đấu thu hút từ 50-60 dự án đầu tư. Triển khai các điều kiện cần thiết để được công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu; triển khai các nhiệm vụ xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch quốc gia. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thống nhất mô hình quản lý, vận hành các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, nhất là đối với các hoạt động sản xuất, chế biến...
Tại Khu công nghiệp Mai Sơn, công tác xúc tiến đầu tư đã được quan tâm. Hiện, đã có nhiều nhà đầu tư khảo sát và đầu tư vào Khu công nghiệp; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và có đóng góp vào ngân sách tỉnh. Năm 2021, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã làm việc với 5 doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án vào khu công nghiệp, phối hợp hướng dẫn nhà đầu tư, như: Công ty TNHH mỏ Nikel bản Phúc về đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sâu tinh quặng Niken trong khu công nghiệp; Dự án tổ hợp nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và chế biến nông sản Mavin Mai Sơn - Công ty cổ phần tập đoàn Mavin; Dự án kho, khu chế biến nông sản - Công ty cổ phần tập đoàn SM, Dự án nhà máy chế biến nông sản và sản xuất sản phẩm phụ trợ đóng gói nông sản - Công ty TNHH và dịch vụ thương mại Trường Mai; Dự án nhà máy chế biến hoa quả sấy Minh Tiến - Công ty xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến.
Ông Bùi Văn Mẫn, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết: Ban luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận nguồn lực đất đai một cách dễ dàng và sử dụng đất ổn định, thực hiện thu tiền thuê cơ sở hạ tầng dùng chung hàng năm trong Khu công nghiệp Mai Sơn (giai đoạn I); rà soát, thống kê các dự án trong khu công nghiệp không triển khai, có biện pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai do lý do khách quan để tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư. Tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào KCN Mai Sơn; thủ tục thu hút nhà đầu tư hạ tầng KCN Vân Hồ...
Năm 2022, tỉnh ta sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các huyện, thành phố góp phần cải tạo cảnh quan đô thị, tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại tại các đô thị, hệ thống chợ trung tâm các huyện, thành phố; các trung tâm Logistic tại các khu vực cửa khẩu Chiềng Khương và Lóng Sập; khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Triển khai lộ trình các bước xây dựng và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Thực hiện thu hút và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu ít nhất 1 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Thi công cải tạo hồ Nong Luông thị trấn Thuận Châu.
Nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào địa bàn cũng như đồng hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND các huyện đang tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp, như: Xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các quyết định, kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước SIPAS. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Xây dựng kế hoạch, định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác giới thiệu các vị trí đất đã được quy hoạch, giúp doanh nghiệp nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu đề xuất triển khai các dự án đầu tư...
Ông Nguyễn Đức Thặng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện đã tập trung triển khai công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp để thu hút, mời gọi đầu tư và di chuyển các cơ sở, nhà máy chế biến có nguy cơ ô nhiễm môi trường vào cụm công nghiệp; triển khai công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư phát triển khu du lịch Pha Đin; thực hiện các thủ tục về đất đai cho các dự án thu hút đầu tư như Khu du lịch Pha Đin Top, Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy thủy điện Nậm Hóa 1; thực hiện các thủ tục đầu tư khu đô thị tại xã Chiềng Ly và thị trấn.
Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, mời gọi đầu tư
Bên cạnh việc triển khai các chính sách ưu đãi đãi, khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, tỉnh Sơn La đang khẩn trương xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào hỗ trợ đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào nhà máy, hỗ trợ GPMB, đối tượng ưu tiên hỗ trợ, gồm: Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu điểm du lịch trọng điểm, các nhà máy chế biến sâu nông sản, chợ đầu mối...
Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thêm: Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết nhằm khuyến khích, mời gọi, hỗ trợ thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, tổng hợp các khó khăn vướng mắc trong thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án. Rà soát, chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật, kịp thời cụ thể, hệ thống hóa quy trình xử lý các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; tăng cường các hoạt động thu hút các nhà đầu tư mới vào thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn.
Thi công đường nội bộ tại Khu công nghiệp Mai Sơn.
Ngay những tháng đầu năm 2022, tỉnh ta đã làm việc với các nhà đầu tư đang quan tâm, nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Sơn La, như Công ty cổ phần Amber Capital, Công ty TNHH ASPID, Công ty cổ phần quốc tế Đại Phú Sỹ, Tập đoàn Mavin; nghiên cứu đề xuất hình thức đầu tư đối với Cảng hàng không Nà Sản... Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất và các quy hoạch chi tiết để các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, tổ chức đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án, giải phóng mặt bằng đầu tư...
Công tác thu hút đầu tư đang được các cấp, ngành của tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả. Thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư để quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội của tỉnh. Tin tưởng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có nhiều nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài đến với Sơn La, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!