Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Lãng phí công trình cấp nước bản Nẹ Tở

Theo thông tin phản ánh của nhân dân bản Nẹ Tở, xã Hua La, thành phố Sơn La, công trình cấp nước sinh hoạt của bản được đầu tư xây dựng từ năm 2020, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được sử dụng. Phóng viên Báo Sơn La đã đi thực tế, tìm hiểu sự việc.

Vòi nước có trụ bê tông kiên cố nhưng không có nước.
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Ngay trong sân nhà chị Lò Thị Hội, bản Nẹ Tở, là vòi nước có trụ bê tông kiên cố, cây mọc phủ xung quanh vì lâu ngày không sử dụng đến. Mở khóa vòi nhưng không có nước chảy, chị Hội nói: Khoảng 2 năm trước, thấy cán bộ xã nói bản được đầu tư công trình nước sạch, dân bản vui mừng, vì công trình cấp nước sẽ có đường ống dẫn nước về tận nhà. Tuy nhiên, từ khi lắp vòi nước đến nay, chúng tôi chưa một lần được sử dụng. Chúng tôi vẫn phải tự mua ống dẫn nước về dùng, không đảm bảo vệ sinh.

Bể đầu nguồn công trình cấp nước bản Nẹ Tở cỏ mọc phủ kín mặt bể.
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Từ trung tâm bản Nẹ Tở, mất khoảng 10 phút đi xe máy theo con đường đất, chúng tôi đến bể đầu nguồn của công trình cấp nước. Bể được rào kiên cố, nhưng trên bề mặt công trình cây cỏ mọc um tùm. Trong đó, có 3 máy bơm và nhiều ống nước của người dân tự mắc để lấy nước về dùng.

Người dân tự lắp máy bơm nước về dùng tại bể đầu nguồn.
Ảnh: Quàng Hưởng

Có trang trại ngay sát khu bể đầu nguồn, anh Lò Văn Giót cho biết: Trước đây, mó nước chảy tự nhiên có rất nhiều nước, lượng nước chảy đầy ống phi 90. Trước khi thi công công trình, bản có họp dân và nghe bên xây dựng công trình nói là sau khi thi xong lượng nước sẽ nhiều hơn, đảm bảo đủ cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất, nên nhân dân đồng ý cho xây dựng công trình.

Tuy nhiên, sau khi thi công xong, giờ đây lượng nước còn ít hơn trước. Nhiều ruộng lúa của các gia đình trong bản giờ thiếu nước sản xuất; các ao nuôi cá giờ không có nước cũng phải chuyển sang trồng lúa. 

Nhân dân tự mắc đường ống dẫn nước về dùng.
Ảnh: Quàng Hưởng

Còn anh Lò Văn Xôm cho biết: Gia đình tôi có khoảng 900m2 ao, trước đây, chưa thi công công trình cấp nước, lượng nước đảm bảo nuôi cá quanh năm. Từ khi xây dựng công trình cấp nước này, ao của gia đình không còn nước để nuôi cá nữa, phải chuyển sang trồng lúa và cũng chỉ được 1 vụ.

Khu vực bể điều áp của công trình được người dân tận dụng đất trống trồng ngô.
Ảnh: Quỳnh Ngọc

Chúng tôi xuống bể điều áp cách công trình đập đầu mối khoảng 50m, bể có dung tích khoảng 100 m3, khi rút đường ống cấp nước vào bể kiểm tra, thấy khô cong, không có một giọt nước. Trong khuôn viên bể, người dân tận dụng đất trống để trồng ngô, trồng bí.

Anh Quàng Văn Xôm, Trưởng bản Nẹ Tở, nói: Công trình cấp nước bản Nẹ Tở dự kiến đưa vào sử dụng sẽ cung cấp nước cho 91 hộ dân của bản và hơn 40 hộ dân tái định cư Ten Co Cưởm 1, di chuyển để thi công hồ thủy lợi bản Mòng. Tuy nhiên, từ khi thi công đến giờ không cấp được nước cho nhân dân và cũng chưa bàn giao đưa vào sử dụng. Hiện nay, một số đoạn ống cấp nước tổng đã bị vỡ. Trước đây, nguồn nước mó đủ phục vụ sản xuất 2 ha ruộng lúa, ao cá của bản, sau khi thi công công trình cấp nước sinh hoạt, không còn đủ nước để cho nhân dân sản xuất, nên nhân dân trong bản đã khóa van nước cấp cho công trình để ưu tiên cho sản xuất. Nhân dân trong bản mong muốn cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi sản xuất, để dồn nước cấp cho sinh hoạt.

Đường ống cấp nước từ bể đầu nguồn vào bể điều áp không có nước.
Ảnh: Quàng Hưởng

Trao đổi về vấn đề này, ông Quàng Văn Bưu, Chủ tịch UBND xã Hua La, cho biết: Xã đã nhận được phản ánh của nhân dân bản Nẹ Tở về công trình cấp nước của bản. Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng Thành phố làm chủ đầu tư, mặc dù đã thi công xong nhưng đến nay chưa bàn giao. Bây giờ, để cấp nước là rất khó vì nước đầu nguồn rất ít và công trình này liên quan đến khu sản xuất trồng lúa, ao cá nhiều hộ. Xã đã nhiều lần vào tuyên truyền các hộ dân sở tại ngừng lấy nước sản xuất, ưu tiên cấp nước về điểm tái định cư. Tuy nhiên, các hộ vẫn tự ý lấy nước. Để khắc phục, cần có chính sách hỗ trợ các hộ dân có đất sản xuất nơi đầu nguồn chuyển đổi sản xuất, để dành toàn bộ nước tập trung cấp cho công trình.

 Làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố được biết, công trình cấp nước bản Nẹ Tở nằm trong gói công trình hệ thống cấp nước tái định cư Dự án hồ chứa nước bản Mòng, tổng mức đầu tư hơn 5,2 tỷ đồng. Cấp nước sinh hoạt cho 127 hộ TĐC và 155 hộ dân sở tại và các nhà văn hóa, trường học. Riêng công trình cấp nước ở bản Nẹ Tở, cấp nước cho 91 hộ dân của bản và khu tái định cư Ten Co Cưởm 1; có đập đầu mối xây dựng tại mó Nong Nưa, theo hình thức đập chắn ngầm, thu nước bằng băng thu WATERBELT do Thái Lan sản xuất, được Viện Thủy công quốc gia chế tạo gắn với ống thu tạo thành các MODUN, dài 4 m, gắn với 16 băng. Công trình có 12 bộ MODUN, thu thấm lọc qua lớp cát vàng dày 60 cm; xử lý nền móng trước khi thu thấm bằng đá dăm 1x2 cm, chặn thấm nước ngầm và ô nhiễm tầng mặt bằng màng nhựa HDPE dày 1 mm; hệ thống bể chứa dung tích 70 m3 ; tổng chiều dài đường ống các loại hơn 6,6 km.

Ông Cầm Việt Quân, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố, cho biết thêm: Hiện nay, công trình cấp nước bản Nẹ Tở không có nước, do các hộ dân có đất sản xuất nơi đầu nguồn không nhất trí cho thu hồi nước, có hành vi phá hoại, có người tự chặt ống lấy nước phục vụ sản xuất. Trước đây, đã từng có lần chúng tôi phối hợp với lực lượng Công an lập biên bản xử phạt trường hợp có hành vi phá hoại công trình cấp nước này. Ngày 5/7/2023, Ban đã cử cán bộ vào công trình kiểm tra tại đập đầu mối của công trình cấp nước sinh hoạt bản Nẹ Tở, thì thấy van tổng bị khóa, nên không có nước về bể chứa. Sau khi mở van tổng thì nước vẫn cấp về bình thường, nhưng một số đoạn ống nước đã bị người dân chặt để lấy nước phục vụ sản xuất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với UBND và Công an xã có phương án xử lý để đưa nước về các điểm tái định cư sử dụng.

Mặc dù đã thi công xong cách đây 2 năm, song đến nay, công trình cấp nước bản Nẹ Tở vẫn chưa  cấp được nước phục vụ nhân dân, nhất là nhân dân tái định cư. Theo thời gian, công trình đã bắt đầu xuống cấp, rất lãng phí. Rất mong các cơ quan chức năng của thành phố Sơn La vào cuộc, có phương án, sớm đưa công trình cấp nước bản Nẹ Tở vào sử dụng, tránh gây lãng phí, giúp nhân dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đảm bảo đời sống. 

Quỳnh Ngọc - Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thiết thực những việc học và làm theo Bác

    Thiết thực những việc học và làm theo Bác

    Thời gian qua, Đảng bộ Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La đã triển khai hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị bằng những việc làm cụ thể gắn với phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh.
  • 'Làm giàu từ mô hình nuôi gà công nghiệp

    Làm giàu từ mô hình nuôi gà công nghiệp

    Gương sáng bản làng -
    Mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi gà công nghiệp với số lượng lớn, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuấn, tiểu khu Thống Nhất, xã Mai Sơn. Mô hình trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương.
  • 'An toàn, thông suốt những tuyến đường

    An toàn, thông suốt những tuyến đường

    Xã hội -
    Đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, êm thuận, ngành Xây dựng đã tập trung quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất các công trình đường bộ, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
  • 'Hình thành hệ sinh thái liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp

    Hình thành hệ sinh thái liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp

    Xã hội -
    Với 11 chi hội trực thuộc và 7 tổ chức thành viên, tổng số 859 hội viên, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh từng bước hình thành hệ sinh thái liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội.
  • 'Gìn giữ làn điệu dân ca dân tộc

    Gìn giữ làn điệu dân ca dân tộc

    Đồng bào dân tộc Thái tại phường Chiềng An có đời sống tinh thần phong phú, với kho tàng văn hóa giàu bản sắc; trong đó, khắp Thái là nét văn hóa độc đáo, thể hiện phong tục tập quán, tín ngưỡng, nét sinh hoạt thường ngày của nhân dân.
  • 'Sức mạnh cộng hưởng đưa du lịch bứt phá

    Sức mạnh cộng hưởng đưa du lịch bứt phá

    Du lịch -
    Khu du lịch quốc gia Mộc Châu được thiên nhiên ưu ái với khí hậu mát mẻ, trong lành, với nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ, hoang sơ, các danh lam thắng cảnh, cùng văn hóa các dân tộc độc đáo, đa dạng... Tuy nhiên, để tiềm năng trở thành thế mạnh, du lịch được khai thác bài bản và có chiều sâu, cần có chiến lược phát triển đúng đắn và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp.
  • 'Không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống

    Không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống

    An ninh trật tự -
    Những năm qua, Chi bộ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh, luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt vai trò tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh về tổ chức thực hiện các biện pháp của ngành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia.
  • 'Chung sức xây dựng xã, phường, không có ma túy

    Chung sức xây dựng xã, phường, không có ma túy

    An ninh trật tự -
    Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, đã lãnh đạo đơn vị chủ động ngăn ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.
  • 'Xây dựng Công an Sơn La chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

    Xây dựng Công an Sơn La chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

    An ninh trật tự -
    Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an Trung ương; sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Công an tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.