Hiện thực hóa các nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La, hàng nghìn kilomet đường giao thông trục xã, liên bản, nội bản, đường nội đồng trên địa bàn tỉnh được bê tông, rải asphalt, rải nhựa... Những chiếc xe ô tô vào tận bản, tận vườn đồi thu mua nông sản cho bà con. Cuộc sống của nhân dân ngày càng khởi sắc, kinh tế phát triển từ khi có những con đường.
Khơi dậy sức dân
Tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong triển khai làm đường giao thông nông thôn, các địa phương của tỉnh Sơn La đã thực hiện tốt phương châm “dân vận đi trước một bước” và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đang là điểm sáng trong việc huy động sức dân làm đường giao thông. Giai đoạn 2021-2023, toàn xã có 833 hộ tự nguyện hiến trên 33.000 m² đất làm 136 tuyến đường bằng bê tông, chiều dài 98,3 km; mở rộng, đổ bê tông 109 tuyến đường nội bản dài trên 77,8 km; mở 27 tuyến đường nội đồng dài 21,9 km; đổ bê tông đường vào từng hộ gia đình đạt 95%, với tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng.
Anh Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, chia sẻ về cách làm của địa phương: Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã thành lập 15 tổ công tác, mỗi tổ 5-7 đồng chí, hằng tháng, vào ngày thứ 7 tuần cuối tháng về bản phụ trách “cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân” theo hướng “khó ở đâu, gỡ ở đấy”. Đồng thời, thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường bê tông.
Năm 2024, xã kêu gọi xã hội hóa được 2 tỷ đồng làm đường từ trung tâm xã đi bản Nậm Nghẹp; hoàn thành đổ bê tông 2,2 km, đoạn đường từ bản Phày đến bản Chăm Pộng, rộng 3,5 m. Xã xây dựng bản Nà Tâu thành bản nông thôn mới kiểu mẫu gắn với du lịch cộng đồng, mở rộng 9 tuyến trung bình từ 3 m lên 6 m, tuyến trung tâm bản rộng 8 m.
Ông Lường Văn Phiên, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Phày, xã Ngọc Chiến, thông tin: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân hiểu được lợi ích khi có đường giao thông thuận lợi nên khi có chủ trương làm đường, các bản chỉ cần họp dân 1 buổi là tất cả các hộ đều đồng thuận dịch chuyển hàng rào mở rộng đường, đóng góp tiền, ngày công và vật liệu làm đường. Gia đình tôi tiên phong dịch chuyển hàng rào, hiến gần 100 m2 làm đường.
Thực hiện Nghị quyết số 115/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, giai đoạn 2015-2017, huyện Mường La xây dựng, nâng cấp, bê tông hóa được 659 tuyến đường, với tổng chiều dài 142,5 km; thực hiện Nghị quyết số 77/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh giai đoạn 2018-2020, huyện xây dựng, nâng cấp, bê tông hóa 34 tuyến đường, với chiều dài 7,17 km. Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, làm 117 tuyến đường, tổng chiều dài 53,1 km.
Còn tại xã Lóng Phiêng, xã biên giới cán đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Yên Châu, ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Một trong những tiêu chí đạt xã nông thôn mới, là tỷ lệ đường thôn, bản và đường liên thôn, bản ít nhất được cứng hóa 80%, đường trục chính nội đồng được cứng hóa 10%. Thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ làm đường giao thông theo phương châm "Nhân dân thực hiện, Nhà nước hỗ trợ", người dân đã thay đổi nhận thức, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa. Qua rà soát, xã có trên 20 km đường nội đồng tại 10 bản cần bê tông hóa. Xã tập trung huy động các nguồn lực, sự đóng góp của nhân dân, từ năm 2020 đến nay, bê tông được trên 12 km đường trục chính nội đồng, đạt trên 50% kế hoạch, trị giá gần 6 tỷ đồng, góp phần hoàn thành các tiêu chí, đưa xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2023.
Minh chứng về sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng đường giao thông, ông Tiến đưa chúng tôi đến bản Yên Thi trên những con đường bê tông nối dài vào tận các vườn cây ăn quả của các hộ dân trong bản.
Anh Nguyễn Đức Mạnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Yên Thi, phấn khởi: Bản có 296 hộ, trồng hơn 300 ha mận và nhãn. Từ năm 2022 đến nay, các hộ đóng góp 7,8 tỷ đồng làm 11,2 km đường trục chính nội đồng, rộng 2,5m. Giờ đây, ô tô vào tận vườn mận, nhãn thu mua với giá cao, mỗi năm bản thu gần 100 tỷ đồng tiền mận và nhãn; cộng với các nguồn thu từ chăn nuôi và kinh doanh, thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm; nhiều hộ thu trên 1 tỷ đồng/năm từ trồng cây ăn quả.
Rời bản Yên Thi trên chiếc xe bán tải, lượn vòng qua các cung đường nội bản được bê tông kiên cố, chúng tôi đến bản Pha Cúng, thăm mô hình nhãn chín muộn của hộ ông Nguyễn Đức Xuân. Dọc hai bên đường là những triền nhãn xum xuê, ông Xuân nói: Năm 2022, được cán bộ xã, bản vận động, gia đình tôi và 6 hộ quyết định góp tiền làm đường lên khu sản xuất. Tuyến đường dài 500 m, trị giá 120 triệu đồng, sau khi họp thống nhất, gia đình tôi góp 70%, các hộ còn lại góp 30%. Tiếp đó, gia đình tôi đầu tư thêm 300 triệu đồng để bê tông đường trong đồi trồng nhãn đảm bảo xe máy đi lại vận chuyển nhãn thuận tiện. Với 8 ha nhãn hiện có, gia đình thu khoảng 100 tấn quả/năm, cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.
Nhân lên sức mạnh tổng hợp
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2020, tỉnh Sơn La huy động 2.375 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 690 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 957 tỷ đồng; vốn ODA trên 109 tỷ đồng; vốn tái định cư trên 505 tỷ đồng; vốn quốc phòng, biên giới trên 114 tỷ đồng), hoàn thành đầu tư 27 dự án đường giao thông, tổng chiều dài trên 504 km đến trung tâm 36 xã, nâng tổng số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa lên 197/204 xã, đạt tỷ lệ 97%. Còn lại 3 dự án đến trung tâm 7 xã, tổng chiều dài 95,5 km, triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Chương trình làm đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, toàn tỉnh đã thực hiện cứng hóa được 1.854 km, tổng kinh phí 1.871 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 552 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1.219 tỷ đồng và hiến trên 633.900 m2 đất, tương đương trên 208 tỷ đồng.
Tiêu biểu, huyện Mộc Châu giai đoạn 2018 - 2020, thực hiện được 637 tuyến, với tổng chiều dài 147 km, tổng mức đầu tư trên trên 184 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 117 tỷ đồng, góp phần giúp Mộc Châu được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV vào tháng 10/2024.
Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Thời gian qua, huyện bố trí nguồn vốn đầu tư công đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch trên địa bàn huyện; hoàn thành các dự án trọng điểm trong khu vực dự kiến hình thành nội thị, vùng trung tâm giao thông phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các điểm du lịch của địa phương. Cùng với đó, huy động sức dân mở rộng, nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn.
Cùng cán bộ huyện Thuận Châu tới bản Song, xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, đúng dịp tuyến đường nội bản đang được đổ bê tông. Trực tiếp giám sát thi công đường, ông Lò Văn Đón, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản, chia sẻ: Nhiều năm qua, người dân trong bản mong mỏi có con đường bê tông để đi lại và bán nông sản cho thuận tiện. Khi được Đảng, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí làm đường, các hộ tự nguyện hiến đất, dịch chuyển tài sản trên đất mở rộng tuyến đường. Riêng gia đình tôi hiến 800 m2 đất trồng cà phê, chặt bỏ 20 cây keo.
Để bê tông hơn 1 km đường, 70 hộ dân bản Song tự nguyện hiến gần 2 ha đất trồng cà phê, sắn. Theo thiết kế mặt đường rộng 3,5 m, nhưng đảm bảo đường thông thoáng, nhân dân hiến thêm đất làm nền đường rộng lên 10 m.
Anh Cà Văn Tương, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Song, nói: Bản có 90 hộ đồng bào dân tộc Thái và dân tộc La Ha chung sống. Thu nhập chủ yếu từ trồng cà phê, sắn, ngô, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tuyến đường hoàn thành, lòng dân náo nức, những đoàn xe ô tô của các nhà máy vào tận bản, lên tận nương thu mua nông sản cho bà con, bớt đi bao công sức vận chuyển.
Thực hiện làm đường theo các nghị quyết của HĐND tỉnh và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn di dân tái định cư, huyện Thuận Châu thi công 362 tuyến đường, tổng chiều dài 215 km, tổng mức đầu tư trên 284 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 85 tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 199 tỷ đồng. Riêng làm đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 77/2018/NQHĐND ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh, từ năm 2018 đến nay, huyện hoàn thành thi công 21 tuyến giao thông nông thôn, chiều dài gần 14 km, tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 7 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 14 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, chia sẻ: Huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, phân loại các nhóm, như nhóm các hộ hiến nhiều đất; nhóm các hộ hiến đất nhưng không được đền bù, hỗ trợ; nhóm những hộ có thể có những ý kiến trái chiều... Từ đó, xác định phương pháp, phân công cán bộ, đảng viên, đoàn viên tuyên truyền, vận động phù hợp… Cách làm này đã giúp nhân dân hiểu rõ hơn chủ trương làm đường giao thông nông thôn của Nhà nước, của tỉnh, của huyện, nên đã tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực và lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân. Kết quả, giai đoạn 2015-2020, huyện Thuận Châu thực hiện được 315 đường giao thông nông thôn, dài 208 km, tổng đầu tư trên 272 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 189 tỷ đồng.
Với chủ trương đúng, trúng, cơ chế, chính sách phù hợp từng thời điểm, tình hình thực tế của địa phương, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đến nay, toàn tỉnh có 70/188 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông; 65 xã đạt xã nông thôn mới. Dự kiến năm 2024, có thêm 9 xã đạt xã nông thôn mới; năm 2025, thành phố Sơn La là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao; huyện Quỳnh Nhai đạt huyện nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!