Bứt phá du lịch Mường La

Trong tiết trời thu mát dịu, chúng tôi về Mường La để trải nghiệm những danh lam thắng cảnh đẹp nơi đây. Từ Nhà máy thủy điện Sơn La, đến nét đẹp “sơn thủy, hữu tình” vùng lòng hồ; ngược lên vùng cao Ngọc Chiến về với vùng quê cổ tích... Tất cả đã cho chúng tôi những cảm xúc tuyệt vời và cảm nhận được những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên hành trình phát triển.

Rừng táo sơn tra cổ thụ bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La.

Trải nghiệm lòng hồ “sơn thủy hữu tình”

Xuất phát từ bến thuyền nhà nổi xã Mường Trai, được anh Lò Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã làm hướng dẫn viên du lịch, trên chiếc thuyền máy, chúng tôi trải nghiệm lòng hồ thủy điện Sơn La. Dưới nắng thu, mặt nước trong xanh mênh mông lấp lánh ánh vàng, những ngọn núi in bóng xuống mặt nước linh lung, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt tác, tiếp đó là chiêm ngưỡng ngọn núi “bàn tay phật” và ngọn núi giống như hình sư tử khổng lồ phủ phục.  

Không gian bếp sinh hoạt nhà sàn đồng bào Thái đen tại Nhà trưng bày di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La.

Chiếc thuyền máy dừng lại tại khu vực nuôi cá tầm của Công ty TNHH một thành viên Cá tầm Việt Nam - Sơn La. Theo anh Hoa, tại khu vực này đang có gần 300 lồng cá tầm, với khoảng 90.000 con cá từ 1 - 60 kg/con. Vừa là điểm tham quan, nơi đây còn làm điểm check-in của các du khách khi trải nghiệm lòng hồ. Ngoài ra, còn có nhiều điểm du lịch khác như: Di tích lịch sử Pom Đồn, hang Đán Hạ, hang Đán Lanh... những cảnh quan thiên nhiên, gắn với những câu chuyện truyền thuyết, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm. Hiện, trên địa bàn xã đã có 1 cơ sở nhà nổi, 2 tàu phục vụ khách du lịch trải nghiệm lòng hồ thủy điện Sơn La.

Đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi còn có Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Trai, Cà Văn Ngọc. Anh hào hứng nói: Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn xã. Trong đó, đề ra 9 giải pháp nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc để phát triển, nhất là tăng cường đầu tư và thu hút đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho ngành du lịch; củng cố và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu, hình thành một số loại hình du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương... Mường Trai phấn đấu lượt khách du lịch tăng bình quân 20%/năm, doanh thu tăng từ 30%/năm trở lên.

Bản nhạc thiên nhiên độc đáo

Thời điểm này, tuyến tỉnh lộ 109 đang thi công, nhiều đoạn đã được đổ bê tông rộng rãi khiến hành trình lên Ngọc Chiến của chúng tôi thuận lợi hơn. Háo hức lên Ngọc Chiến, bởi có nhiều điểm du lịch hấp dẫn với những cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ và những điểm du lịch do chính con người tạo ra. Đó là điểm du lịch chong chóng khổng lồ; những chiếc guồng nước quay bên dòng suối Chiến, phát ra những âm thanh riêng có, hòa với tiếng nước chảy róc rách của dòng suối Chiến, tạo thành bản nhạc thiên nhiên độc đáo. Bãi đá lẩu xá, gồm những chiếc chum khổng lồ được tạo nên từ những viên sỏi suối, gắn với giới thiệu đặc sản rượu cần của dân tộc La Ha. Và trên những bức tường hai bên đường bê tông nội bản là hình ảnh con người, phong cảnh thiên nhiên được người dân ghép bằng những viên sỏi lấy từ dòng suối Chiến...

Du khách tham quan khu guồng nước bản Mường Chiến, xã Ngọc Chiến .

Cây sa mu trên 1.000 năm tuổi, gốc cây sần sùi, cổ kính, có 1 cây si tầm gửi mà theo người dân nơi đây được mọc từ phía trên thân cây rồi mới đâm xuống đất, giờ cũng trở thành cây cổ thụ. Ngay cạnh đó là nhà thờ được làm bằng gỗ pơ mu, đáp ứng nguyện vọng tâm linh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn du khách. 

Trải nghiệm Ngọc Chiến không thể bỏ qua các khu khoáng nóng, được người dân khai thác xây bể tắm suối khoáng, kết hợp xây dựng các phòng nghỉ, phục vụ các món ăn dân tộc, trở thành các homestay, thu hút khách du lịch thập phương. Chị Quàng Thị Lãi, chủ homestay suối khoáng Ngọc Chiến xởi lởi: Hiện homestay của gia đình tôi có 8 phòng nghỉ; 2 bể tắm; du khách được thưởng thức các món ăn dân tộc theo yêu cầu. Trừ chi phí, gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nói về du lịch ở xã, ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Chúng tôi nỗ lực giúp người dân khai thác hiệu quả các tiềm năng và tạo ra các điểm du lịch để thu hút du khách. Và điều mừng nhất là, bà con đã có chuyển biến tích cực về nghề du lịch, cũng như hiểu rõ tầm quan trọng của nghề này trong quá trình phát triển kinh tế của xã. Ngọc Chiến đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn với khách du lịch thập phương.  

Định hướng chiến lược phát triển kinh tế của huyện

Mường La có 3.900 ha mặt hồ thủy điện Sơn La, thuộc 5 xã Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Nậm Giôn, thị trấn Ít Ong. Cùng với việc xây dựng hơn 20 nhà máy thủy điện, đã tạo ra những thắng cảnh hồ đẹp, hấp dẫn, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ. Trong đó, có điểm “Du lịch thủy điện Sơn La - thủy điện lớn nhất Đông Nam Á”; Nhà máy thủy điện Huổi Quảng là nhà máy thủy điện ngầm đầu tiên do Việt Nam thiết kế... Vì vậy, khai thác tuyến du lịch lòng hồ là một trong những định hướng chiến lược phát triển kinh tế của huyện.

Trải nghiệm du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La.

Bên cạnh đó, Mường La còn có nguồn suối khoáng nóng dồi dào tại bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong; bản Lướt, xã Ngọc Chiến; Nà Cưa, xã Chiềng Hoa; bản Ỏ, xã Hua Trai. Có nền văn hóa cộng đồng bản làng đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông, La Ha... Hơn nữa, giao thông khá thuận lợi, nối Mường La với các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và là một phần của tour Thủ đô Hà Nội - Sơn La - Mường La - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho hay: Huyện đã ban hành Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, liên kết phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch văn hóa; đầu tư cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; phát triển các sản phẩm nông nghiệp xanh nhằm hỗ trợ du lịch. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển. Nguồn lực thực hiện đề án sẽ huy động ngân sách, vốn từ các doanh nghiệp và vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của các hộ dân.

Mường La đã xây dựng, duy trì trang Website du lịch Mường La và liên kết với Website du lịch Sơn La. Từng bước phát triển du lịch thông minh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và khách du lịch đến Mường La. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá du lịch; phát huy sức mạnh truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, bảo đảm sự thống nhất trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch trên địa bàn huyện.

Anh Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mường La, cho biết: Đồng hành cùng người dân khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, huyện đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các chủ hộ và người lao động thuộc các cơ sở kinh doanh du lịch trong huyện; các lớp tập huấn văn nghệ, lựa chọn những tiết mục đặc trưng, độc đáo để biểu diễn phục vụ du khách. Phục dựng và tổ chức thường niên Lễ hội mừng cơm mới xã Ngọc Chiến, Lễ hội Pang A của dân tộc La Ha; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông... Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng video, clip giới thiệu các điểm du lịch và các nét văn hóa đặc sắc để phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và trung ương.

Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch trên địa bàn huyện đang được “đánh thức”. Trên địa bàn huyện có 2 khách sạn, 9 nhà nghỉ, trên 20 homestay, 2 nhà hàng lớn và một số cơ sở vui chơi, giải trí phục vụ khách du lịch; tạo việc làm cho trên 70 lao động trực tiếp và hơn 300 lao động gián tiếp. Hình thành các tuyến du lịch kết nối với các huyện lân cận, như: Tour du lịch kết nối Mường La - Ngọc Chiến với Tà Xùa - Bắc Yên; Mường La - Ít Ong với Quỳnh Nhai; Mường La - Ngọc Chiến với Mù Cang Chải, Trạm Tấu - Yên Bái.  Trong 9 tháng đầu năm nay, huyện đã đón gần 46.500 lượt khách du lịch. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 15,2 tỷ đồng.

Chuyến trải nghiệm ở Mường La đã đọng lại nhiều cảm xúc, không chỉ là những cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, con người thân thiện, mến khách, mà còn là cách làm du lịch của những con người vốn chỉ quen với công việc nương rẫy, đồng ruộng. Họ đã và đang học cách làm du lịch một cách chuyên nghiệp từ việc khai thác những tiềm năng, lợi thế trên quê hương, tạo bước đi đột phá để đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hồng Luận - Trường Sơn

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới