Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn

Bên cạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng năng suất, chất lượng, ngành Nông nghiệp và PTNT đang khuyến khích người dân liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần thúc đẩy kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông sản Việt.

                                 

Thành viên HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) ứng dụng hệ thống tưới tự động vào sản xuất.

           

Công ty TNHH một thành viên Minh Thúy là một trong những doanh nghiệp nuôi lợn lớn trên địa bàn huyện Mai Sơn. Hiện, Công ty có khoảng 20.000 lợn nái và lợn thịt tại 3 trang trại, gồm: Hơn 4.000 con ở xã Chiềng Hặc (Yên Châu); còn lại gần 16.000 con nuôi ở xã Chiềng Chung và Cò Nòi (Mai Sơn). Công ty đăng ký với Sở Nông nghiệp và PTNT và được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, sản phẩm đang cung ứng cho hệ thống các siêu thị tại Hà Nội và một số tỉnh. Ông Nguyễn Văn Thu, đại diện Công ty, cho biết: Từ khi tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, sản phẩm của Công ty đã được khách hàng ở nhiều địa phương biết đến. Công ty chủ động liên kết và xây dựng mạng lưới cửa hàng kinh doanh đủ năng lực cung ứng thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng,

           

HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu) chuyên sản xuất các loại rau, củ với sản lượng trên 1.000 tấn/năm. Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX, chia sẻ: HTX đã hướng dẫn các thành viên xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng hàng hóa, nhất là khâu vận chuyển, nhưng chuỗi cung ứng có đầu ra ổn định nên hàng tháng HTX vẫn xuất hàng cho các cửa hàng, siêu thị tại Hà Nội và thành phố Sơn La.

           

Hiểu được lợi ích tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, nên ngày càng nhiều hộ sản xuất liên kết thành lập HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo quy trình VietGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự khác để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. 9 tháng qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho 6 HTX, nâng tổng số lên 194 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP. 8 doanh nghiệp, HTX được cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, nâng tổng số lên 197 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn đang hoạt động, tăng 73 chuỗi so với năm 2019, gồm: 29 chuỗi rau an toàn, 123 chuỗi quả an toàn 1 chuỗi cà phê, 7 chuỗi chè, 4 chuỗi thịt lợn, 1 chuỗi thịt gà, 5 chuỗi mật ong và 27 chuỗi thủy sản. Có 181 mã số vùng trồng cây ăn quả được Cục Bảo vệ cấp với tổng diện tích 4.740 ha.

           

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đánh giá: Việc triển khai xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn đã mang lại hiệu quả tích cực, làm thay đổi nhận thức, kiến thức về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giúp kiểm soát từng công đoạn và quá trình tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn. Đồng thời, tạo liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở tham gia vào chuỗi sản xuất, tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm; phát triển các doanh nghiệp, HTX gắn với cơ sở sơ chế, chế biến, kênh phân phối, mạng lưới phân phối tiêu thụ, tạo niềm tin của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

           

Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do vùng sản xuất nông sản của tỉnh còn phân tán, nhỏ lẻ, diện tích được cấp mã vùng trồng và áp dụng VietGAP, GlobalGAP còn thấp so với tổng diện tích đất trồng trọt. Việc áp dụng công nghệ bảo quản, chế biến chưa được chú trọng đầu tư nên tổn thất sau thu hoạch còn chiếm tỷ lệ cao; việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế. Việc thực hiện liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản, thủy sản thông qua hợp đồng còn chưa chặt chẽ, sự ràng buộc pháp lý gắn với lợi ích kinh tế giữa các công đoạn sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và giữa các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân còn bất cập.

           

Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững. Hiện nay, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, HTX triển khai phát triển chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn, phấn đấu năm 2022 tăng ít nhất 10% về số chuỗi, diện tích, sản lượng nông sản, thủy sản an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương tự so với năm 2021; phấn đấu 100% sản phẩm nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định tại thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới