Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, trong đó, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được hình thành, nhiều sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu, khẳng định chỗ đứng trên thị trường và với trên 350.000 ha đất canh tác, ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò “trụ đỡ”, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cán bộ Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc hướng dẫn người dân xã Chiềng Sơn (Mộc Châu) kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo.

             

Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều tiến bộ KHCN được nghiên cứu và áp dụng để thâm canh, cải tạo, rải vụ cây ăn quả trên đất dốc. Cùng với tổ chức tập huấn, hội thảo thì phương thức chuyển giao KHCN cho nông dân phổ biến nhất là xây dựng mô hình trình diễn ứng dụng KHCN tiến bộ để người dân học hỏi và để nhân rộng. Có thể kể đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ của nông dân xã Nà Bó (Mai Sơn). Năm 2014, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, ông Nguyễn Quang Vinh, xã Nà Bó (Mai Sơn) đã đưa giống thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, màu sắc đẹp, thời gian cho quả dài để trồng tại vườn của gia đình. Giống thanh long này cho thu tới 10 lứa quả/năm và có thể điều chỉnh để cây cho quả sớm hơn hoặc muộn hơn nên giá trị kinh tế rất cao. Nếu chăm sóc tốt, năng suất đạt tới 20 tấn quả/năm. Trừ chi phí, mỗi ha có thể cho lãi 300 đến 400 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, trồng mía. Từ thành công của mô hình sản xuất tại gia đình, ông Vinh đã đứng lên thành lập HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời đã lựa chọn và đăng ký chứng nhận 4 cây thanh long đầu dòng là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã, Mường La và Thành phố. Hiện, diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn là 133 ha. Sản phẩm quả được tiêu thụ tại tỉnh và các siêu thị của Hà Nội và từ năm 2018 đến nay, đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UAE.

             

Ươm giống cây thanh long ruột đỏ tại HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng (Mai Sơn).

             

Ngoài mô hình trồng thanh long ruột đỏ của nông dân tại xã Nà Bó, thời gian qua, có nhiều mô hình nông nghiệp được ứng dụng KHCN, như: Mô hình sản xuất giống cà chua ghép và mô hình thâm canh cà chua ghép trái vụ tại Công ty cổ phần Greenfarm Mộc Châu, mỗi năm cung cấp 3-4 triệu cây giống cho vùng đồng bằng sông Hồng; mô hình sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGAP và hoa chất lượng cao tại Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới (Mộc Châu) tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho trên 150 lao động; mô hình trồng chuối nguyên liệu chất lượng cao tại Công ty cổ phần rượu Việt Pháp (Yên Châu) sử dụng giống chuối mới từ cây nuôi cấy mô có năng suất cao, chất lượng tốt đã hình thành vùng trồng chuối nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất rượu, chuối khô, sản phẩm rượu chuối.

             

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã đưa vào trồng thử nghiệm 20 giống cây ăn quả các loại có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh. Nhờ đó, đã tạo ra các sản phẩm khác biệt mang tính đặc trưng của từng vùng, có giá trị và khả năng cạnh tranh cao. Ngoài việc đưa các giống mới vào thử nghiệm, các đơn vị chức năng còn chú trọng việc ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Ứng dụng công nghệ chiết, ghép cải tạo vườn cây ăn quả, như: Thực nghiệm nhân giống bằng phương pháp ghép đoạn cành và ghép mắt cho một số loại cây ăn quả: xoài, nhãn, bơ, cây có múi; nhân giống vô tính, sử dụng thuốc kích thích giâm cành thanh long ruột đỏ; nhân giống và chăm sóc chuối chất lượng cao... Hiện, toàn tỉnh có trên 13.000 ha cây ăn quả được ghép cải tạo; 119 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 3.600 ha đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; 78 doanh nghiệp, HTX sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP với 1.339 ha...

             

Trong lĩnh vực chăn nuôi, KHCN được ứng dụng để tạo nguồn giống gia súc, gia cầm cho năng suất cao, chất lượng tốt; áp dụng công nghệ lên men sinh học để ủ chua thức ăn, tăng giá trị dinh dưỡng; phòng trừ dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tiêu biểu là Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển giống gà đen, từ số lượng ban đầu 100 con gà sinh sản, cơ quan chủ trì đã sản xuất hơn 1.000 con giống, ngoài ra còn bàn giao hơn 100 con gà sinh sản cho Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Tây Bắc để duy trì đàn sinh sản, cung cấp con giống và trứng ra thị trường. Hay đề tài “Xây dựng mô hình nhân nuôi ong mật (Apis cerana) nhằm phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với vườn rừng và bảo tồn đa dạng sinh học ở huyện Sốp Cộp. Các hộ tham gia mô hình có thêm thu nhập khoảng 1,5-2 triệu đồng/thùng ong, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm thu nhập, việc làm cho bà con nông dân vùng đặc biệt khó khăn.

             

Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường mà còn tiết giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất. Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã tạo sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của tỉnh, góp phần đưa nhiều chỉ tiêu chủ yếu của ngành đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới