Sông Mã chủ động phương án tiêu thụ nhãn

Điều kiện thời tiết thuận lợi, dự kiến sản lượng nhãn của huyện Sông Mã năm nay ước đạt trên 55.800 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng toàn tỉnh Sơn La. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ quả nhãn tươi dự báo sẽ khó khăn hơn so với các năm trước. Trước tình hình đó, huyện Sông Mã, các nhà vườn, HTX trồng nhãn đã chuẩn bị sẵn các phương án tiêu thụ nhãn trên địa bàn.

                      

           

Vườn nhãn hữu cơ của gia đình ông Hoàng Văn Chép sử dụng phương pháp xới đất làm cỏ thủ công...

           

... và ủ phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón.

 

Đến thăm vườn nhãn của gia đình ông Hoàng Văn Chép ở bản Hải Sơn, là một trong 2 vườn nhãn hữu cơ lớn nhất của HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong. Gần 2 ha nhãn được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ; phân bón sử dụng là phụ phẩm nông nghiệp được ủ hoai mục, sử dụng phương pháp làm cỏ thủ công. Thời điểm này, nhãn đã vào cùi, hạt bắt đầu chuyển màu nâu đen, được chăm sóc tốt, dự kiến năm nay, gia đình ông thu khoảng 45 tấn quả nhãn tươi.

 

Lường trước những khó khăn của thị trường tiêu thụ nhãn tươi năm nay, gia đình ông Chép đã đăng ký bán toàn bộ quả nhãn tươi cho một số cơ sở làm long nhãn trên địa bàn với giá 7.000 đồng/kg. Ông Chép chia sẻ: Dù giá nhãn năm nay không đạt như kỳ vọng, nhưng nhãn vẫn là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất so với các loại cây khác. Từ khi chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ đã cho thấy nhiều lợi ích so hơn với chăm sóc vô cơ, quả nhãn to và lượng đường nhiều hơn. Đây là những đặc điểm được nhiều thương lái và những người làm long nhãn rất ưa thích.

Lãnh đạo HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn kiểm tra vườn nhãn hữu cơ của hộ gia đình thành viên.

 

Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong sản xuất nhãn của huyện Sông Mã, HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn có 15 thành viên trồng và chăm sóc gần 31 ha nhãn, năng suất bình quân đạt 13 tấn/ha, sản lượng hơn 400 tấn/năm; trong đó, có 5 ha nhãn hữu cơ. Ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Tuấn, cho biết: Trước những khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, HTX được các cơ quan chức năng tỉnh và huyện Sông Mã hỗ trợ, hướng dẫn kết nối với các thương lái, cơ sở kinh doanh, buôn bán trong và ngoài tỉnh để chủ động việc tiêu thụ nhãn. Với những diện tích nhãn hữu cơ sẽ cho sản phẩm chất lượng để xuất khẩu, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, HTX chỉ đạo các thành viên chuẩn bị các lò sấy, sẵn sàng cho vụ làm long nhãn năm nay.

 

Quả nhãn đang bắt đầu vào cùi.

           

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở, diện tích, sản lượng nhãn trên địa bàn huyện Sông Mã đã có những bước phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 2018 toàn huyện có tổng diện tích chỉ khoảng 6.098 ha, sản lượng 40.000 tấn quả tươi thì đến năm 2021, diện tích nhãn tăng lên 7.284 ha, sản lượng ước đạt trên 55.869 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng toàn tỉnh, đưa Sông Mã trở thành vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La.

 

Cán bộ xã Chiềng Khoong hướng dẫn người dân sử dụng chế phẩm sinh học để diệt trừ sâu bệnh trên quả nhãn.

 

Từ những hiệu quả tích cực mà cây nhãn mang lại, huyện Sông Mã đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nâng cao cải thiện chất lượng sản phẩm nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ chức cấp mã vùng trồng xuất khẩu cho các HTX; mở rộng, kết nối mạng lưới hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; chủ động phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm quả nhãn, long nhãn, góp phần nâng tầm giá trị của quả nhãn mang thương hiệu Sông Mã trên thị thường trong nước và quốc tế.

           

Nông dân xã Nà Nghịu (Sông Mã) chăm sóc nhãn.

 

Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng giảm, thị trường dần phục hồi, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX xuất khẩu quả nhãn tươi. Đồng thời, nâng cao chất lượng thành phẩm và đổi mới bao bì nhãn mác, đưa sản phẩm nhãn lên sàn giao dịch thương mại Shopee, Sendo, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm long nhãn đến nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Ngược lại, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hướng dẫn các HTX, cơ sở chế biến long nhãn trên địa bàn chủ động đầu tư hệ thống kho lạnh để kéo dài thời gian bảo quản nhãn sau khi thu hoạch thêm 2 tháng, đáp ứng việc kéo dài thời vụ làm long nhãn. Năm nay, huyện Sông Mã dự kiến có khoảng 700 cơ sở, hộ gia đình chế biến long nhãn, đủ sức đáp ứng việc thu mua toàn bộ số nhãn trên địa bàn để làm long nhãn.

           

Các lò sấy trên địa bàn huyện Sông Mã sẵn sàng cho vụ làm long.

           

Tin tưởng với sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động của các HTX, người nông dân, vụ nhãn năm nay, người dân Sông Mã sẽ được hưởng trọn vẹn niềm vui được mùa, đảm bảo sản phẩm nhãn làm ra được tiêu thụ, khẳng định thương hiệu Nhãn Sông Mã trên thị trường trong và ngoài nước.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới