Phát triển và quảng bá các sản phẩm chủ lực

Bắt kịp xu thế, có hướng đi đúng và hiệu quả, tỉnh ta hiện đã xây dựng được 18 sản phẩm nông sản, thực phẩm có thương hiệu; trong đó có tới 15 sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, ngoài phát triển mạnh số lượng sản phẩm hàng hóa, các ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ thiết thực người dân, các HTX và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ.

 

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra diện tích xoài

được trồng theo quy trình VietGAP tại xã Hát Lót (Mai Sơn).

 

HTX Xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) hiện có 40 ha na; các thành viên HTX đang tích cực chăm sóc na theo đúng quy trình kỹ thuật, phục vụ tốt cho vụ thu hoạch dự tính cuối tháng 8 này. Theo tính toán, 1 ha na trừ chi phí cho thu lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Ông Lê Văn Nam, thành viên HTX tự tin: Nhà tôi trồng 60 gốc na, nhờ thực hiện tốt quy trình VietGAP và được công bố nhãn hiệu chứng nhận, nên na rất được giá, lại ổn định đầu ra. Đối với na dai bán tại vườn, giá từ 35.000-40.000 đồng/kg; na hoàng hậu cao hơn từ 90.000-150.000 đồng/kg; vui hơn là thương lái đã đặt mua hết toàn bộ số na của gia đình. 

 

Không chỉ riêng quả na ở Mai Sơn, mà các sản phẩm khác như: nếp tan Mường Và (Sốp Cộp); khoai sọ Thuận Châu, cam Phù Yên... sau khi được công nhận nhãn hiệu, giá bán đều cao hơn so với sản phẩm cùng loại mà thị trường tiêu thụ lại khá ổn định. Trên cơ sở chỉ rõ xây dựng thương hiệu là cách tốt nhất để sản phẩm nông sản của địa phương đủ sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Theo đó, lựa chọn đưa vào sản xuất bộ giống hợp lý, thời gian sinh trưởng khác nhau để kéo dài thời gian thu hoạch; ứng dụng phương pháp chiết, ghép cùng nhiều tiến bộ kỹ thuật khác để nhân giống cây ăn quả, như: Thực nghiệm nhân giống bằng phương pháp ghép đoạn cành và ghép mắt cho một số loại cây ăn quả: Xoài, nhãn, bơ, cây có múi...; nhân giống vô tính, sử dụng thuốc kích thích giâm cành thanh long ruột đỏ; nhân giống và chăm sóc chuối chất lượng cao; ghép và chuyển đổi giống nhãn chất lượng cao đối với các vườn nhãn giống địa phương. Đến thời điểm hiện tại, diện tích ghép cải tạo cây ăn quả đạt trên 13.000 ha (trên 7.600 ha nhãn, gần 4.000 ha xoài, trên 200 ha bơ, hơn 350 ha cam...).

 

Ngoài việc đưa các giống mới năng suất, chất lượng vào sản xuất, các ngành chức năng còn hướng dẫn người dân và các HTX sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học đã giảm thiểu được sâu bệnh hại, tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với sinh vật hại, ít hoặc không gây ảnh hưởng tới môi trường, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ năm 2019 đến nay, đã hỗ trợ 53 doanh nghiệp, HTX áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP và 70 doanh nghiệp, HTX với 1.525 tem nhãn QrCode truy xuất nguồn gốc sản phẩm; 48 gian hàng cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu sản phẩm  tại các hội chợ, triển lãm trong nước...

 

Bằng nỗ lực của các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, toàn tỉnh hiện có 119 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; duy trì và phát triển 35 chuỗi quả an toàn với diện tích gần 550 ha; 15 sản phẩm cây trồng được bảo hộ và chứng nhận, bao gồm: 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý (Chè shan tuyết Mộc Châu, quà xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La); 11 nhãn hiệu được chứng nhận gồm; chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, nhãn Sông Mã, chè Phỏng Lái, nếp tan Mường Và, khoai sọ Thuận Châu, na Mai Sơn, bơ Mộc Châu, chuối Yên Châu, táo sơn tra Sơn La, cam Phù Yên và 1 nhãn hiệu tập thể là chè Tà Xùa (Bắc Yên). Hoạt động chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng nông sản cũng rất được quan tâm, với một số sản phẩm chế biến từ quả như rượu, mứt mận, đào, nước ép chanh leo, long nhãn...

 

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các giải pháp xây dựng, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, cũng rất cần phát triển cây trồng tập trung theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với bảo quản chế biến và thị trường tiêu thụ; hình thành các vùng sản xuất quả tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới