Trong quá trình sản xuất ở các địa phương trong tỉnh, nhiều sáng kiến kỹ thuật được áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Một số HTX, hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phương pháp đốn tỉa cành, tạo tán vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hái, vừa giúp chất lượng quả cao hơn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Mô hình trồng xoài hạ cành, tạo tán của HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu).
Tại HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc (Yên Châu), phương pháp đốn tỉa cành, tạo tán đã được thực hiện cách đây 5 năm. Anh Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX, chia sẻ: Gia đình tôi trồng 2 ha xoài, cây trồng khoảng cách cây với cây và hàng với hàng 3,5m. Sau 4 năm, tôi bắt đầu thực hiện đốn tỉa cành, tạo tán. Riêng năm đầu khi đốn tỉa cành, để cây phục hồi 2 năm, các năm sau đều đặn thu hoạch xong vụ xoài là đốn tỉa cành. Năm đầu thu hoạch sản lượng chỉ đạt 15-17 tấn, đến nay, sản lượng ổn định 20 tấn/ha. So với phương thức sản xuất truyền thống, phương thức đốn tỉa cành, tạo tán giúp dễ chăm sóc, dễ bao quả, thu hái, chất lượng quả tốt, trọng lượng xoài đồng đều từ 700-1.200 gram/quả, có tới 90% quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Chúng tôi chọn thời điểm đốn tỉa cành và áp dụng các biện pháp chăm sóc để xoài thu hoạch vào cuối tháng 6,7 được giá hơn.
Ở huyện vùng cao Bắc Yên, phương pháp đốn tỉa cành, tạo tán còn khá mới, HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Lâm, bản Lào Lay, xã Phiêng Ban tiên phong thực hiện bước đầu đạt hiệu quả tích cực. HTX có 11 thành viên, trồng 12 ha xoài, nhãn, na, bưởi và cây dổi. Sau khi học tập, nghiên cứu, ngay sau khi thu hoạch, tháng 7/2020 HTX đã tiến hành đốn tỉa cành, tạo tán. Anh Cầm Văn Cương, Giám đốc HTX, chia sẻ: 10 ha xoài, nhãn, bưởi, na sau khi đốn tỉa cành, tạo tán, vườn cây phát triển tốt, cho thu hoạch sản phẩm ngay trong năm đầu tiên. Sản lượng xoài đạt 35 tấn, đã bán cho thương lái tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, giá bán tại các chợ đầu mối là 10.000 đồng/kg. Năm đầu, tuy sản lượng quả thấp, nhưng quả đồng đều, mẫu mã đẹp, chất lượng nâng lên rõ rệt. Đốn tỉa cành, tạo tán chăm sóc, bao trái, thu hái nhiều thuận lợi, nhất là tiết kiệm thời gian, sức lao động.
Theo kinh nghiệm từ các HTX, hộ gia đình đang triển khai phương pháp đốn tỉa cành, tạo tán, khoảng cách cây trồng rất quan trọng, cây trồng quá dày sẽ dẫn tới thiếu nắng, trồng quá thưa không phát huy hiệu quả đất sản xuất. Khoảng cách lý tưởng cây cách cây, hàng cách hàng từ 3-3,5m. Thời điểm tỉa cành, tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất và các điều kiện sản xuất, khí hậu để điều chỉnh mùa vụ phù hợp, đạt hiệu quả sản xuất cao nhất. Nhưng phải đảm bảo nguyên tắc, sau khi thu hoạch quả, cây cần thời gian phục hồi ít nhất 2 tuần, sau đó mới đốn tỉa cành. Sau đốn tỉa cành, cây cần tăng cường nước tưới, đảm bảo nảy lộc, quá trình chăm sóc tiếp tục chú ý tỉa bớt các nhánh nhỏ, tỉa quả.
Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá: Kỹ thuật đốn tỉa cành, giúp điều tiết hình dạng, kích cỡ cây sao cho đạt hiệu suất quang hợp tối ưu, tăng số cành khả năng mang quả, giảm cành khô chết, cành sâu bệnh, dễ dàng áp dụng các biện pháp canh tác khác vào chăm sóc và thu hoạch quả. Dễ dàng kiểm soát và quản lý các cây trong vườn, nâng cao thể chất của cây, tăng cường sức chống chịu với các điều kiện bất thuận. Khi hạ độ cao của cây trồng, giúp tránh được gió bão, hạn chế quả bị rụng hoặc xước quả đối với xoài, đảm bảo mẫu mã sản phẩm; dễ dàng, quan sát phát hiện sâu, bệnh hại, xử lý kịp thời; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khi chăm sóc cây trồng vừa hiệu quả, tiết kiệm.
Phương pháp tỉa cành, tạo tán cho cây ăn quả có nhiều lợi ích, nhất là vượt trội về nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều HTX, hộ nông dân còn e ngại bị giảm năng suất trong năm đầu áp dụng phương pháp này. Yêu cầu thị trường ngày càng cao, nếu chỉ chú ý đến sản lượng thì sản phẩm rất khó tiêu thụ, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Do vậy, chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang áp dụng phương pháp hạ cành, tạo tán, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn yêu cầu từng thị trường đang là xu hướng tất yếu thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!