LTS: UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch về tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La, tạo hướng đột phá tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Sơn La. Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!
Ca làm việc tại Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu).
Ảnh: PV
PV: Đồng chí cho biết mục tiêu, ý nghĩa và tác động của Đề án đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh?
Đồng chí Cầm Thị Phong: Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La xác định rõ mục tiêu: Định hướng phát triển ngành chế biến rau quả hiệu quả, an toàn và bền vững; đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; áp dụng công nghệ tiên tiến được gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa xuất khẩu rau quả ra thị trường các nước trên thế giới. Thu hút đầu tư mới các cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao; chủ động tiêu thụ, chế biến vùng nguyên liệu rau, quả tạo ra giá trị gia tăng cao; nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Việc triển khai thực hiện hiệu quả Đề án trên địa bàn tỉnh sẽ thúc đẩy sản xuất, thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc phát triển kinh tế. Chủ động trong việc tiêu thụ sản lượng rau, quả cho tỉnh, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, giảm bớt khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm rau, quả; giá trị sản xuất của ngành rau quả được nâng cao, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là đối với vùng nông thôn.
PV: Cần triển khai những giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Đề án, thưa đồng chí?
Đồng chí Cầm Thị Phong: Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện theo chủ trương, định hướng, chính sách của tỉnh về Đề án chế biến rau quả cũng như chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021- 2030. Tham mưu với tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, bảo quản rau quả: Tập trung nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất trong xử lý và bảo quản rau quả tươi, chế biến rau quả và phế phụ phẩm từ rau quả. Tổ chức sản xuất phát triển vùng nguyên liệu rau, quả phục vụ nguyên liệu chế biến; khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ đất trồng rau, cây ăn quả theo quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức quản lý, giám sát việc sử dụng đất đúng mục đích, đúng đối tượng; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc. Phát triển mạnh các cơ sở chế biến rau quả quy mô nhỏ có công suất và công nghệ phù hợp với đặc thù sản phẩm địa phương có thế mạnh về sản xuất nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm rau quả chế biến. Phát triển hệ thống logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả. Đầu tư phát triển chuỗi cung ứng lạnh và các dịch vụ có liên quan đến xuất khẩu rau quả. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập đoàn chế biến có uy tín, kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu đầu tư các nhà máy chế biến rau, quả.
Khu sản xuất rau của Nhà máy chế biến rau, củ công nghệ cao SI Vân Hồ.
Ảnh: PV
PV: Đồng chí cho biết về cơ chế, chính sách và những lưu ý đối với các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp khi triển khai thực hiện Đề án?
Đồng chí Cầm Thị Phong: Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành chế biến, bảo quản rau quả do Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, tỉnh ban hành. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cơ chế chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào chế biến, bảo quản rau quả; lồng ghép các nội dung phát triển vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến, bảo quản rau quả vào các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và chiến lược, quy hoạch tỉnh.
Các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp là chủ thể thực hiện và hưởng lợi khi thực hiện Đề án. Vì vậy, cần lưu ý những nội dung sau: Căn cứ vào điều kiện thực tế, năng lực, nhu cầu sản xuất, chế biến rau quả cần nghiên cứu, tổ chức thực hiện các nội dung Đề án theo đúng chủ trương, định hướng, kế hoạch của tỉnh, theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để đạt hiệu quả. Các hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp thực hiện hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn được chứng nhận, sản xuất theo hướng hữu cơ, vùng sản xuất..., đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ chế biến cho các nhà máy.
Tập trung nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu đầu vào cho nhà máy, cơ sở chế biến và đẩy mạnh đầu tư phát triển các hạ tầng cơ sở chế biến, bảo quản rau quả hiện đại, nhất là các sản phẩm chế biến sâu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thị trường xuất khẩu. Đối với các cơ sở chế biến nông sản tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung về bảo vệ môi trường, thực hiện thu gom, xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường trước khi xả thải theo đúng quy định.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phạm Đức (thực hiện)
Xây dựng vùng rau nguyên liệu phục vụ chế biến đến năm 2025 khoảng 10.000 ha, sản lượng 100.000 tấn; năm 2030 đạt 15.000 ha, sản lượng 200.000 tấn. Phát triển vùng nguyên liệu cây sơn tra và các loại quả: Xoài, nhãn, cam, bơ, chanh leo, hồng, lê... đến năm 2025 đạt khoảng 104.820 ha, sản lượng 596.530 tấn; đến năm 2030 có 130.000 ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Phát huy tối đa công suất Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Hoàn thành đi vào hoạt động Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH; Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO Sơn La... |
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!