Chế biến nông sản tạo động lực cho nông nghiệp phát triển bền vững

Ứng dụng công nghệ chế biến nông sản bằng phương pháp sấy đã và đang được nhiều doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất nông sản của tỉnh chú trọng đầu tư, hướng tới nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Khu sản xuất rau của Nhà máy chế biến rau, củ công nghệ cao SI Vân Hồ.

 

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Toàn tỉnh đang có 25 cơ sở chế biến chè, sản lượng khoảng 9.000 tấn chè sao sấy/năm; 6 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp, công suất trung bình 100-200 tấn quả tươi/ngày; có trên 2.170 cơ sở sấy long nhãn, với sản lượng khoảng 75.000-80.000 tấn quả nhãn tươi, 7.500-8.000 tấn long nhãn; 200 cơ sở sấy ngô, tách hạt, quy mô 20-50 tấn/ngày. Hiện đã thu hút được 4 nhà máy chế biến rau, quả quy mô công nghiệp, công suất chế biến hàng chục nghìn tấn rau, củ, quả mỗi năm và hàng trăm cơ sở sơ chế, chế biến rau, quả quy mô từ vài chục đến vài trăm tấn đang được xây dựng và hoàn thiện để vận hành. Công nghệ chế biến nông sản hiện đang được doanh nghiệp, HTX, cơ sở sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh áp dụng chủ yếu là phương pháp sấy nhiệt nóng và sấy lạnh.

Tùy vào từng đặc tính nông sản mà doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sẽ lựa chọn phương pháp sấy khác nhau. Phương pháp sấy nhiệt nóng thích hợp với một số nông sản cần khô, chín, sấy ở nhiệt độ cao, như: Chè, cà phê rang, khoai lang, dược liệu, quả mắc ca, đậu tương, lạc, ngô... Phương pháp sấy lạnh nông sản là một trong những công nghệ tiên tiến hiện nay để chế biến thực phẩm sau thu hoạch được nhiều doanh nghiệp, HTX lựa chọn. Công nghệ sấy lạnh cho sản phẩm sấy khô có chất lượng tốt, như: Giữ được hương vị, màu sắc, thành phần giá trị dinh dưỡng có trong trái cây; dễ bảo quản, vận chuyển đi xa dễ dàng hơn, tiện lợi cho sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm như: Giá đầu tư các thiết bị cao; thời gian sấy dài gấp 1,2-1,5 lần sấy nóng; chi phí cao hơn do sử dụng thêm bộ phận làm lạnh, tách ẩm. Chính vì vậy, số lượng các đơn vị áp dụng công nghệ sấy lạnh ít hơn sấy nóng.

Hiện nay, trong tỉnh có Nhà máy chế biến rau, củ công nghệ cao SI Vân Hồ; HTX nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu); Công ty TNHH MTV Đạt Thủy (Mai Sơn); Công ty TNHH Hải Đăng (Thành phố) đang áp dụng công nghệ sấy lạnh để sản xuất ra các sản phẩm rau cải bắp, hành lá, rau gia vị với sản lượng khoảng 200 tấn thành phẩm/năm; xoài, mận, thanh long, hồng, mít, chuối sấy...

HTX Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu) là một trong những HTX tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại để sản xuất các sản phẩm mận sấy mật ong, mận sấy gừng, mận sấy thảo dược đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu) chia sẻ: HTX đang có 250 thành viên, trong đó 50 thành viên chính thức và 200 hộ thành viên liên kết. Trong lĩnh vực chế biến nông sản, HTX đã đầu tư 2 máy sấy hơi, công suất trên 1 tấn hoa quả thành phẩm/ngày. Từ đầu năm đến nay, HTX đã thu mua trên 700 tấn mận hậu và khoảng 100 tấn xoài để sấy thành phẩm. Việc sử dụng công nghệ sấy đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ngoài chủ động tiêu thụ nông sản do mình sản xuất còn bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Chế biến hoa quả bằng máy sấy lạnh tại HTX Nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu)

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, thông tin: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ sấy để chế biến nông sản là một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Bởi công nghệ sấy là một trong những phương pháp làm khô thực phẩm, giữ cho thực phẩm được lâu mà không bị ảnh hưởng chất lượng bởi tác động môi trường.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tiêu thị nông sản năm nay, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021. Trong đó có chính sách hỗ trợ các lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh có diện tích lò sấy từ 10m³ trở lên, mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/m³ xây dựng lò sấy hơi (lò sấy và thiết bị) nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/HTX, hộ gia đình.... Theo tổng hợp ban đầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có khoảng 500 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình có nhu cầu đăng ký được hỗ trợ kho đông lạnh, kho lạnh, lò sấy, container lạnh.

Ưu tiên nguồn lực cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh ta đã và đang khuyến khích phát triển mới, mở rộng quy mô các cơ sở chế biến rau, quả quy mô tiểu thủ công nghiệp với các sản phẩm đặc sản của địa phương, sản phẩm OCOP, như: Sản phẩm quả sấy dẻo, ô mai, mứt... Đây là tín hiệu vui và là động lực tiếp thêm sức để các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sơ chế, chế biến nông sản đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật sơ chế, chế biến nông sản, trong đó có phương pháp sấy, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới