Cây mắc ca trên đất Chiềng Sơn

Hơn mười năm, cây mắc ca du nhập vào đồng đất Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, đến nay đã có hơn 50 ha cây mắc ca, trong đó, gần 30 ha cho thu hoạch quả; năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha, với giá bán trung bình 80.000/kg, mỗi năm cho thu nhập 160 triệu đồng/ha. Hiệu quả của cây trồng này đang mở ra triển vọng thay thế cây trồng kém hiệu quả trên đất đốc, nâng cao thu nhập cho người dân.

                                 

Người dân xã Chiềng Sơn trao đổi kinh nghiệm trồng cây mắc ca.

           

Dẫn chúng tôi thăm mô hình trồng cây mắc ca của gia đình, anh Nguyễn Đức Toàn, tiểu khu 2/9, xã Chiềng Sơn, chia sẻ: Qua tìm hiểu, năm 2008, tôi quyết định cải tạo 2 ha đất đồi của gia đình để trồng hơn 500 cây mắc ca. Năm 2012, vườn mắc ca bắt đầu bói quả, mỗi năm được hơn 4 tấn quả tươi, thu 320 triệu đồng. Vào vụ, toàn bộ số quả được thương lái đến tận vườn mua, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó nên không phải lo về đầu ra của sản phẩm.

           

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng cây mắc ca, nhiều hộ dân trong xã Chiềng Sơn đã bắt đầu trồng loại cây này. Ông Phạm Xuân Thủy, tiểu khu 5, cho biết: Cây mắc ca phù hợp với đất dốc và khí hậu địa phương và được các cơ quan chức năng tuyên truyền, tập huấn kiến thức canh tác, năm nay, gia đình tôi bắt đầu trồng hơn 1 ha trên diện tích đất dốc canh tác kém hiệu quả. Hiện nay, cây sinh trưởng phát triển tốt, cao ngang đầu người, tán rộng. Hy vọng, tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan chức năng trong khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định.

           

Theo kinh nghiệm của những người trồng mắc ca lâu năm trên địa bàn xã, cây mắc ca trồng tại Chiềng Sơn phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai; dễ trồng, dễ canh tác, ít sâu bệnh, không cần lượng nước tưới nhiều như các cây ăn quả khác, mỗi năm chỉ bón 2 - 3 lần phân, kể cả trên diện tích đồi đất dốc, khó trồng các loại cây khác thì cây mắc ca lại rất phù hợp.

           

Trước đây, cây mắc ca chủ yếu trồng bằng ươm hạt, phải mất 5 đến 8 năm mới bắt đầu ra hoa và bói quả. Hiện nay, đã có nhiều đơn vị, hộ gia đình ươm giống và ghép cây mắc ca đảm bảo chất lượng, chỉ sau 3 năm trồng cây đã bắt đầu ra hoa, bói quả. Trung bình mỗi ha đất trồng được 250 đến 300 cây mắc ca, sản lượng bình quân năm đầu đạt 3 đến 4 kg quả/cây, một cây trưởng thành sẽ cho thu về từ 10 đến 20kg quả/vụ.

           

Hạt mắc ca được mệnh danh là nữ hoàng các loại hạt, giàu chất dinh dưỡng, có nhiều lợi ích cho sức khỏe, vì vậy, nhu cầu của thị trường rất cao; thời gian bảo quản được lâu nên giá cả ổn định hơn. Ngoài ra, vỏ tươi của quả mắc ca còn được tận dụng để ủ làm phân bón cho cây, giúp giữ ẩm và hạn chế sự sinh trưởng của cỏ dại.

           

Ông Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, cho biết: Hiện nay, UBND xã đang tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn giúp người dân biết cách lựa chọn giống cũng như nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca. Đồng thời, xã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả cho các xã vùng biên giới của huyện, trong đó, hỗ trợ giống cây mắc ca cho người dân các bản vùng cao biên giới với 70% giá trị giống cây trồng/ha (mức hỗ trợ tối đa là 7 triệu đồng/ha cây giống), giúp người dân trên địa bàn phát triển diện tích cây mắc ca thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, nâng cao thu nhập.

           

Mô hình trồng mắc ca ở Chiềng Sơn bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao với cả vùng đất dốc, nâng cao thu nhập cho các hộ dân. Tỉnh ta có chủ trương về phát triển cây mắc ca trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, đây là cơ sở quan trọng để các địa phương và các hộ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới