Cây chè trên đất Tân Lang

Với lợi thế khí hậu quanh năm mát mẻ, chất đất phù hợp, từ năm 1964, cây chè Shan tuyết đã bén rễ trên đồng đất xã Tân Lang (Phù Yên). Trải qua thăng trầm, hiện cây chè đang được người dân duy trì, phát triển, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần ổn định đời sống cho người trồng chè.

 

Nhân dân bản Thịnh Lang 1, xã Tân Lang (Phù Yên) thu hoạch chè bằng máy.

 

Năm 1964, bà con quê Hưng Yên lên xây dựng vùng kinh tế mới và thành lập HTX Thịnh Lang chuyên trồng chè. Thời kỳ đó, bà con chỉ sản xuất, còn sản phẩm chè búp tươi được Nhà nước bao tiêu. Đến năm 1986, Nhà nước xóa bỏ bao cấp, không còn thu mua sản phẩm cho bà con nữa, nhiều hộ đã chặt bỏ cây chè để trồng ngô, sắn và một số cây hoa màu khác, chỉ còn một phần diện tích chè được giữ lại để phục vụ gia đình. 4 năm sau, được huyện hỗ trợ về giống, phân bón, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, vì thế diện tích chè tăng dần. Hiện nay, toàn xã có 138 ha chè, tập trung ở các bản: Khẻn Tiên, Thịnh Lang 1, Thịnh Lang 2, Yên Thịnh, bản Vường và Đu Lau, với 532 hộ trồng chè, sản lượng đạt hơn 2.300 tấn chè búp tươi/năm, sau khi trừ chi phí, người trồng chè thu về hơn 5 tỷ đồng. Cây chè trở thành một trong những loại cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong xã.

 

Chị Đặng Thị Ánh, bản Thịnh Lang 1, cho biết: Gia đình tôi trồng chè từ năm 2000, với 7.000 m², giống chè Shan tuyết, sau 3 năm được thu hoạch, mỗi năm trung bình thu 6 lứa, sản lượng 14 tấn chè búp tươi, trừ  chi phí thu 30 triệu đồng/năm. Cây chè hợp với chất đất và khí hậu ở đây, chỉ cần chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh kịp thời chè sẽ phát triển tốt. Nếu chè đã khép tán, không cần làm cỏ, tuổi thọ của cây kéo dài 30 năm. Trong sản xuất chè, gia đình tôi luôn đề cao an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”.

 

Trước đây, người dân xã Tân Lang thường thu hái chè thủ công, bây giờ bà con đầu tư máy cắt chè, một chiếc máy với 3 người mỗi ngày sẽ  thu hái được 3 tấn chè búp tươi. Việc thu hái bằng máy, ngoài giảm công lao động, còn tạo phẳng luống, chè lên lá đều, tăng năng suất. Hiện, 24 hộ dân trong xã đã tham gia đầu tư thành lập xưởng sơ chế chè, góp phần tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn và tạo việc làm mùa vụ cho 120 lao động địa phương.

 

Anh Đặng Văn Cống, bản Thịnh Lang 2 chia sẻ: Để sơ chế chè, gia đình tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy, xây lò sấy. Trung bình mỗi năm xưởng sơ chế 200 tấn chè búp tươi được 40 tấn chè khô, sản phẩm chủ yếu bán sang thị trường tỉnh Yên Bái, gia đình còn tạo việc làm thời vụ cho 4-6 lao động, với thu nhập 40 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, sản phẩm chè mới ở dạng thô, để sử dụng phải thêm một lần tinh chế nữa. Theo đánh giá của khách hàng, sau tinh chế, chè Tân Lang có vị đậm đặc trưng, thơm, nước màu xanh.  

 

Qua trao đổi với lãnh đạo UBND xã Tân Lang được biết, cây chè không phải là cây trồng chủ lực của xã, nhưng lại có ưu thế nhất định, đó là, người trồng chè có thu nhập thường xuyên, ổn định và sản phẩm dễ tiêu thụ. Hằng năm, cây chè đã được đưa vào chỉ tiêu về phát triển kinh tế của xã. Theo đó, khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, đặc biệt là tạo ra sản phẩm an toàn, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm cho người dân trong xã. Vì vậy, xã rất mong các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm, hướng dẫn thành lập HTX chè, xây dựng thương hiệu, đầu tư dây chuyền chế biến sản phẩm hoàn chỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới