Là địa phương có nhiều lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, năm qua, huyện Thuận Châu đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: UBND huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng xã. Tăng cường xúc tiến thương mại, ổn định thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng tới sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, an toàn, thân thiện môi trường, bền vững và giá trị kinh tế cao.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hơn 22 ha dứa, 86 ha chanh leo, 5 ha rau chân vịt phục vụ cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La. Đồng thời, duy trì và phát triển 25 chuỗi cung ứng nông sản an toàn; 107 ha cây trồng sản xuất theo hướng hữu cơ. Diện tích cây ăn quả 4.302 ha, sản lượng trên 21.450 tấn, tăng 15,53% so với năm 2021; có 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả; đặc biệt đã xuất khẩu 60 tấn thanh long sang thị trường Anh, Pháp. Diện tích rau rau màu các loại hơn 600 ha, sản lượng 10.000 tấn; trồng mới 538 ha rừng, đạt 192% kế hoạch; thêm 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, nâng số sản phẩm OCOP lên 7 sản phẩm.
Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, quy mô trang trại, với 9.900 con trâu, 51.000 con bò, 70.000 con lợn, 26.000 con dê, 711 nghìn con gia cầm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2022 đạt 8.700 tấn, tăng 3,3%.
Ông Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Tông Cọ, chia sẻ: Xã có 1.298 hộ, thì hơn 900 hộ nuôi trâu, bò. Riêng bản Nà Lạn, Thúm Cáy, có 100% hộ nuôi bò nhốt chuồng, nhà ít nhất có 3 con, nhiều thì hơn 10 con. Xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đất trồng hoa màu kém hiệu quả và diện tích trồng lúa không có đủ nước tưới, sang trồng 25 ha cỏ. Đến nay, toàn xã có hơn 140 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi gần 5.000 con trâu, bò. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc đã góp phần hoàn thành tiêu chí hộ nghèo, thu nhập và giúp xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, huyện đã triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội 6 xã vùng cao giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng các mô hình, như: 3 ha trồng cây khôi nhung tại các xã Pá Lông, Long Hẹ; 3 ha trồng cây gừng trâu tại xã Long Hẹ; 3 ha trồng cây vừng đen tại bản Căm Cặn, xã Mường Bám; trồng 7 ha dứa tại bản Cát, Nong Vai, xã Co Mạ; nuôi 3.500 con gà đen Mông tại xã É Tòng; 19 ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại các xã É Tòng, Mường Bám, Long Hẹ, Co Mạ; trồng mới 20 ha cây dược liệu các loại tại xã Long Hẹ... Vận động các hộ liên kết thành lập HTX, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chị Lò Thị Bưởi, Giám đốc HTX nông nghiệp sinh thái Efarm, xã É Tòng, chia sẻ: Sau khi tham gia dự án nuôi gà đen giống bản địa theo hướng an toàn sinh học do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, với quy mô 3.500 con, thấy có đầu ra ổn định, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tôi đã đứng ra vận động các gia đình liên kết thành lập HTX, mở rộng quy mô nuôi, sau 2-3 tháng, HTX lại xuất 1 lứa. Riêng Tết Nguyên đán vừa qua, xuất bán 3.000 con gà đen để phục vụ khách hàng. Năm 2023, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với người dân trong và ngoài xã nuôi 30.000 con gà đen; phối hợp xây dựng sản phẩm trứng gà đen bản địa thành sản phẩm đặc trưng của xã É Tòng và là sản phẩm OCOP của huyện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân tham gia chuỗi liên kết.
Với cách làm hiệu quả, huyện Thuận Châu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án nuôi trồng, phát triển nguồn lợi thủy sản; phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, trồng dược liệu dưới tán rừng... góp phần thực hiện mục tiêu đưa Thuận Châu thoát nghèo vào năm 2025.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!