Chủ động bảo vệ đàn gia súc trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại, huyện Yên Châu tập trung chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Toàn huyện có đàn bò lên tới 25.500 con, đàn trâu có 7.610 con, dê 14.500 con, ngựa 220 con và lợn trên 2 tháng tuổi 52.000 con. Bảo vệ đàn gia súc, từ đầu năm, phòng chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc; phối hợp với UBND các xã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, bản tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc
Huyện thành lập Ban Chỉ đạo tiêm phòng gia súc từ huyện đến xã, phổ biến lịch tiêm phòng cụ thể và các quy định để người dân chủ động hợp tác và thực hiện. Kết quả đã tiêm phòng gần 50.000 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu, bò; hơn 10.000 liều vắc xin dịch tả lợn; hơn 50.000 liều vắc xin lở mồm long móng đàn trâu, bò; phun 2.588 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại 15 xã, thị trấn; huy động trên 12.000 lượt người tham gia vệ sinh, khử trùng tiêu độc, tại các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, nơi công cộng, đường bản, tiểu khu. Bên cạnh đó, công tác tập huấn kỹ thuật chăm sóc và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi được quan tâm, trong năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật khuyến nông, thú y cho gần 1.300 lượt người.
Công tác phòng chống rét cho đàn gia súc được đẩy mạnh, nhất là các xã vùng cao, biên giới. Tuyên truyền vận động nhân dân không được cho gia súc ra khỏi chuồng trại khi nhiệt độ xuống thấp; tận dụng chăn, vải, bạt cũ để che chắn chuồng trại, ủ ấm cho đàn vật nuôi và luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ...; hướng dẫn, nhân dân thu gom các loại cỏ, rơm, thân lá cây ngô và các phụ phẩm nông nghiệp để ủ chua hoặc phơi khô làm thức ăn dự trữ, tăng cường sức đề kháng cho gia súc.
Xã Chiềng Khoi là một trong những xã có đàn gia súc phát triển mạnh, người dân tích cực tận dụng đất đai mở rộng diện tích trồng cỏ voi với tổng diện tích 31ha; duy trì và phát triển hơn 3.000 con gia súc các loại. Ông Hoàng Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Khoi, cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, xã cử cán bộ xuống các bản, đến từng hộ dân kiểm tra, hướng dẫn, giám sát tình hình phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi; hướng dẫn bà con làm chuồng trại đúng quy cách, gia cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo đủ ấm; trồng thêm cỏ voi, thu gom, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, thân và lá ngô sau thu hoạch để làm thức ăn cho đàn gia súc.
Ông Lò Văn Liên, bản Hiêm, xã Chiềng Khoi, cho biết: Được cán bộ xã đến tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc gia súc trong mùa đông, nên đợt rét đậm, rét hại vừa qua, gia đình dùng bạt vây kín xung quanh chuồng trại rồi đốt củi sưởi ấm thêm cho đàn bò; cho ăn thêm nhiều thức ăn để tăng cường sức đề kháng, vì vậy, 10 con bò của gia đình đang phát triển tốt.
Với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn và sự chủ động của các hộ chăn nuôi, việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc ở Yên Châu đang được thực hiện tốt. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không lơ là, chủ quan; chủ động theo dõi thời tiết để kịp thời có các biện pháp ứng phó hiệu quả, bảo vệ tốt đàn vật nuôi, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!