Sông Mã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III

Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La, năm 2022 - 2023, huyện Sông Mã đã triển khai nhiều biện pháp và đạt được những kết quả tích cực, tạo việc làm, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân. 

Nông dân xã Mường Lầm nuôi nhốt gia súc.
Ảnh: Trần Hiền

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng trong năm 2022 và năm 2023, tình hình chăn nuôi của huyện tiếp tục phát triển ổn định. Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh của địa phương đã thúc đẩy hình thành phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cải tiến phương thức chăn nuôi theo hướng thâm canh; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi được người dân quan tâm; công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giải quyết thêm việc làm từ chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ.

Hiện nay, tổng đàn đại gia súc khu vực III và bản đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã có gần 60.000 con; trong đó, trâu gần 11.300 con, bò thịt trên 48.400 con, ngựa 84 con. Toàn huyện có 20.401 hộ chăn nuôi ở xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn. Có 14.160 hộ có chuồng trại kiên cố; 815 hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải như bể biogas, đệm lót sinh học, ủ phân; có 2 HTX chăn nuôi bò áp dụng kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi, có điều kiện vệ sinh môi trường chăn nuôi cơ bản được đảm bảo, có hệ thống xử lý chất thải bể biogas. Huyện đã vận động xây dựng 141 công trình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas. Thực hiện công tác phòng, chống dịch cho đàn gia súc, riêng năm 2023, toàn huyện đã nhận 45.525 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, 23.290 liều vắc xin phòng bệnh ung khí thán, 43.430 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, 942 lít hóa chất phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi cho các xã vùng 3 và bản đặc biệt khó khăn.

Nhân dân xã Nậm Ty chăm sóc đàn vật nuôi. Ảnh: Trần Hiền

Ông Nguyễn Chí Thành, Quyền trưởng Phòng NN và PTNT huyện, thông tin: Huyện Sông Mã có 15 xã khu vực III, 10 bản đặc biệt khó khăn của các xã khu vực I. Nhân dân trong khu vực này đang chăm sóc gần 400 ha cỏ, gần 2 ha ngô để phục vụ chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn chưa có cơ sở sản xuất, cung ứng giống vật nuôi cho sản xuất chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là nhập con giống từ bên ngoài huyện. Đối với vùng sâu, vùng xa hầu hết giống vật nuôi đại gia súc được nhân dân tự cung, tự cấp. Trong việc xác định vùng, số lượng đại gia súc cần thực hiện cải tạo giống tập trung tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn, huyện lựa chọn giống trâu địa phương có tầm vóc lớn, phẩm chất tốt trong đàn hoặc thực hiện đảo đực giống giữa các vùng, các địa phương để tránh nguy cơ cận huyết, để nâng cao tầm vóc, năng suất. Huyện có 1 sản phẩm thịt trâu hun khói tại bản Trại giống, xã Nà Nghịu đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. 

Đối với đàn bò, huyện tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zebu hóa, bảo tồn và phát triển giống bò địa phương có giá trị. Cùng với đó, huyện ưu tiên cải tạo giống trâu bò tại các xã có số lượng chăn nuôi nhiều và tập trung, như các xã: Chiềng Cang, Bó Sinh, Chiềng En là những xã có nhiều hộ chăn nuôi đại gia súc quy mô từ 10 con trở lên với số lượng đàn trâu, bò cần thực hiện cải tạo giống khoảng 13.500 con.

Chiềng Cang là một trong những địa phương có đàn đại gia súc ở các xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn lớn nhất huyện với trên 6.000 con trâu, bò. Ông Trần Quốc Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đề án. Xã đã hỗ trợ con giống, hướng dẫn xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, kỹ thuật nuôi nhốt gia súc, chủ động nguồn thức ăn, vận động nhân dân xây dựng chuồng trại kiên cố, quan tâm xử lý chất thải chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Đến nay, đã có trên 2.200 hộ tham gia nuôi đại gia súc, nhân dân chăm sóc gần 40 ha cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Nhờ đó, đã có nhiều hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Nông dân xã Chiềng Sơ thu gom rơm làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ảnh: Trần Hiền

Phấn đấu phát triển đàn đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn, Sông Mã tiếp tục triển khai các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và gắn với tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò; phấn đấu đến năm 2025 đàn đại gia súc trong khu vực III của huyện có 70.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.200 tấn. Đồng thời, hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi đại gia súc ứng dụng công nghệ cao tại huyện; gắn kết việc quảng bá các sản phẩm chăn nuôi đại gia súc với các chương trình xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm của nhân dân.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới