Là một trong những huyện của tỉnh Sơn La có điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp cho việc phát triển các loại cây ăn quả chất lượng cao, những năm qua, Sông Mã tập trung phát triển cây ăn quả, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và nâng cao giá trị thương hiệu cho nông sản của huyện trên thị trường.
Nâng cao chất lượng cây trồng, huyện Sông Mã đầu tư nghiên cứu và phát triển các giống cây ăn quả mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng khu vực trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả; đưa vào trồng, lai ghép một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Xoài ghép, nhãn ghép, xoài Đài Loan và một số cây có múi... để thay thế những diện tích cây ăn quả kém năng suất. Đồng thời, tập trung triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Trong những năm gần đây, để phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao chất lượng, huyện quan tâm chỉ đạo và triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhận thức của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Toàn huyện có 7.590 ha nhãn, trong đó có 910 ha nhãn sản xuất trái vụ, rải vụ, diện tích cho sản phẩm đạt 6.884 ha, sản lượng năm 2023 đạt trên 75.000 nghìn tấn. Có 1.820 ha xoài, trong đó có 1.580 ha cho sản phẩm, sản lượng năm 2023 đạt gần 12.100 tấn. Diện tích cây ăn quả khác của huyện là 1.380 ha, sản lượng 7.620 tấn.
Triển khai các hệ thống quản lý chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP để nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Huyện đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, Cục Bảo vệ thực vật, đánh giá và cấp 47 mã số vùng trồng, với tổng diện tích gần 482 ha, sản lượng trên 4.500 tấn; trong đó, 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 23 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand. Xây dựng vùng quả an toàn, phát triển chuỗi liên kết, trên địa bàn huyện có 73 hợp tác xã (tăng 12 HTX so với năm 2020) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 50 HTX, công ty sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích là 981,91 ha; gồm: Nhãn 856,22 ha, sản lượng quả đạt 8.562,2 tấn; xoài 59 ha, sản lượng quả đạt trên 590 tấn; bưởi 15 ha, sản lượng 120 tấn; cam trên 41 ha, sản lượng 412 tấn; nho Hạ Đen 1 ha, sản lượng 10 tấn; bí đao 9,49 ha, sản lượng 94 tấn.
Việc sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc cây trồng để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm được huyện quan tâm. Coi trọng công tác cung ứng và chủ động về các loại giống, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; công tác chăm sóc, tiêu thụ các loại nông sản trên địa bàn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho nhân dân, tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai thực hiện các mô hình trên địa các xã, thị trấn. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 540 ha nhãn tại các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu đã áp dụng công nghệ tưới phun sương; khoảng 1.000 ha nhãn, xoài, sản lượng trên 10.900 tấn tại 17 HTX trên địa bàn huyện sản xuất theo hướng hữu cơ. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến, nhân dân trên địa bàn huyện đã trồng 61 ha cây mắc ca và phát triển 102 ha dứa Queen.
Chiềng Khương là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn của huyện Sông Mã. Xã chú trọng chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Ông Cà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, chia sẻ: Hiện nay, xã đang duy trì, chăm sóc 925 ha cây ăn quả; trong đó, 704 ha nhãn, 103 ha xoài, 118 ha cây ăn quả khác. Xã có 6 HTX phát triển cây ăn quả. Xã luôn quan tâm tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác tiên tiến và các giống mới cho năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, quản lý chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn gắn với bảo vệ môi trường, xúc tiến tiêu thụ nông sản; xây dựng và nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm, nông, lâm, thủy sản an toàn.
Nhận thấy giống nhãn miền thiết không còn phù hợp với thị trường, anh Nguyễn Sinh Thực, bản Hưng Hà, xã Chiềng Khương, đã mạnh dạn cải tạo cây giống, ứng dụng công nghệ trong chăm sóc cây ăn quả để tăng năng suất và chất lượng quả. Anh Thực thông tin: Trước đây, 1,7 ha nhãn của gia đình tôi đều là giống miền thiết. Năm 2022, tôi đã cải tạo và ghép giống nhãn T6 vì giống nhãn này cho chất lượng và giá thành cao hơn, nhất là khi thực hiện sản xuất trái vụ. Niên vụ 2023, trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng từ giống nhãn mới. Hiện nay, tôi đã đầu tư 24 triệu đồng lắp hệ thống tưới phun sương, hệ thống này tưới rất nhàn và tiết kiệm hơn so với kéo vòi tưới từng gốc như trước đây. Tới đây sẽ lắp thêm hệ thống điều khiển tưới phun sương bằng smartphone.
Với những bước đi quyết liệt, hiệu quả, Sông Mã đang dần khẳng định vị trí điểm sáng trong bản đồ nông nghiệp của tỉnh và cả nước, không chỉ nâng cao đời sống cho nhân dân, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và chất lượng nông sản của địa phương ra thế giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!