Với mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho bà con nông dân và tăng tỷ lệ che phủ rừng, những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã tích cực vận động, tuyên truyền các hộ dân trồng mắc ca. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu mắc ca tại nhiều xã trên địa bàn.
Khu trồng mắc ca của Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La tại bản Bon, xã Mường Chiên, trải rộng trên những triền đồi được quy hoạch hàng lối bài bản. Những hàng cây mắc ca xanh tốt, phủ xanh những quả đồi trước đây chỉ là cỏ tranh và lau lách như mang đến một sức sống mới giữa núi rừng trùng điệp. Năm 2018, Công ty đã bắt tay vào việc cải tạo đất, san ủi đường đồng mức, lên giống và trồng mắc ca. Trong đợt đầu, Công ty nhập hơn 10 cây giống mắc ca để trồng, gồm: QN1, A38, 800, 246, 849, 816, 842... Theo kế hoạch, Công ty trồng 100ha mắc ca tại bản Bon, đến nay đã trồng 70 ha.
Ông Dương Văn Đạt, Giám đốc Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La, cho biết: Cây mắc ca có khả năng phát triển tốt, năm bói quả đầu tiên, cây khá sai quả, ít sâu bệnh, việc chăm sóc không cần quá cầu kỳ. Đây sẽ là vùng nguyên liệu cung cấp mắc ca để chế biến và xuất khẩu của công ty. Với diện tích mắc ca hiện có, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/tháng.
Tại xã Chiềng Khay, có 6 ha mắc ca được trồng ở bản Phiêng Bay đang phát triển tốt. Hiện nay, các hộ dân trong xã đã đăng ký trồng thêm 700 ha mắc ca.
Còn ở xã Mường Giôn từ vài năm nay, thực hiện trồng cây mắc ca gắn với phát triển kinh tế rừng. Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ năm 2021 đến nay, toàn xã đã trồng 250 ha cây mắc ca, trong đó có 50 ha trồng mới năm 2023 của Hợp tác xã Mường Giôn. Hiện nay, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký trồng mắc ca trên diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả.
Bà Điêu Thị Hà, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Thực hiện kế hoạch phát triển cây mắc ca giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn huyện, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện quy hoạch, rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trống kém hiệu quả để tuyên truyền, khuyến khích nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca.
Đến nay, toàn huyện đã trồng trên 300 ha, tập trung chủ yếu ở xã Mường Chiên, Mường Giôn và rải rác một số diện tích tại Chiềng Khay, Chiềng Khoang và Chiềng Ơn. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, liên kết với các hộ dân phát triển thành vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm.
Cây mắc ca phát triển tốt trên những diện tích đất đồi ở Quỳnh Nhai vốn trước đây bỏ không hoặc trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, hứa hẹn sẽ là cây trồng đem lại nguồn sinh kế mới bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!