Phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa

Đảm bảo cây lúa vụ mùa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, ngành Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại.

Giọng nữ
Nông dân bản Nà Hạ 1, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh dự kiến gieo cấy trên 13.000ha lúa; trong đó, diện tích lúa mùa sớm chiếm 15-20%, còn lại lúa mùa chính vụ. Đến nay, nông dân trong tỉnh đã gieo cấy được trên 4.000ha, dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ hoàn thành kế hoạch. Ngay từ đầu mùa vụ, bà con đã chủ động các biện pháp chăm sóc, phòng trừ bệnh hại cho lúa.

Tuy nhiên, qua điều tra tại một số địa phương, đã phát hiện khoảng 40ha lúa mùa đã xuất hiện một số loại sâu bệnh phát sinh và gây hại, như: Rầy lưng trắng, rầy nâu, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, ruồi đục nõn, bệnh nghẹt rễ... Trong đó, rầy lưng trắng, rầy nâu, mật độ phổ biến 225 con/m2, nơi cao 850 con/m2, mật độ ổ trứng phổ biến 30 ổ/m2, cao 60 ổ/m2; ốc bươu vàng, mật độ phổ biến 0,2 con/m2, cao 1 con/m2; sâu cuốn lá, mật độ gây hại phổ biến 2 con/m2, cao 8 con/m2; bệnh nghẹt rễ, tỷ lệ gây hại phổ biến 2% dảnh, cao 5% dảnh; ruồi đục nõn, tỷ lệ gây hại phổ biến 2% dảnh, cao 10% dảnh...

Ông Hồ Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Với việc gieo cấy đúng khung thời vụ, nên diện tích lúa mùa ở các địa phương đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết bất lợi đã làm phát sinh một số loại sâu bệnh hại lúa. Để không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa vụ mùa, Chi cục đã hướng dẫn các địa phương chủ động biện pháp phòng trừ; có hướng dẫn cụ thể với từng đối tượng sâu bệnh hại, từng loại thuốc và cách phòng trừ hiệu quả.

Hiện nay, huyện Yên Châu có khoảng 600ha lúa mùa sớm đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Trung tâm đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi và dự báo quy mô, mức độ của từng đối tượng sinh vật gây hại để triển khai các biện pháp phòng trừ kịp thời. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép, sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng nồng độ và đúng cách).

Tại huyện Mai Sơn, nông dân trong huyện đã gieo cấy được 1.350ha lúa mùa, đạt 75% tổng diện tích. Trước khi gieo cấy, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, tăng cường theo dõi diện tích nhiễm bệnh hại để có biện pháp phòng trừ ngăn chặn, không để lây lan diện rộng.

Những ngày qua, nhận được thông báo của cán bộ khuyến nông, chị Hà Thị Ánh, bản Nà Hạ 1, xã Chiềng Mung thường xuyên ra thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, đặc biệt kiểm tra các đối tượng sâu bệnh, có thể xảy ra để phun trừ kịp thời.

Chị Ánh chia sẻ: Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 2.000 m2 lúa. Hiện nay, lúa đang đẻ nhánh. Qua theo dõi, một số diện tích đã chớm nhiễm bệnh rầy nâu và xuất hiện ốc bươu vàng, tôi đã mua thuốc về phun ngay. Khi cây lúa càng non càng dễ bị nhiễm bệnh, nếu không phòng trừ kịp thời, về sau có thể không trổ bông, năng suất giảm, hoặc mất trắng.

Theo dự báo, thời gian tới, tiếp tục xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, như nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa giông, là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại cho cây lúa...

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần chú ý theo dõi chặt chẽ một số loại sâu bệnh hại trên cây lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng để phòng trừ; tập trung bón bổ sung dinh dưỡng để cây phát triển, tăng sức đề kháng. Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn bà con chăm sóc, tích cực thăm đồng, sớm phát hiện các loại sâu bệnh gây hại để phòng trừ hiệu quả.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới