Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, những năm qua, huyện Vân Hồ đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Mô hình trồng rau trong nhà màng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Ảnh: Duy Tùng

Bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, từ 2020-2022, toàn huyện đã triển khai 26 mô hình nông nghiệp thí điểm bằng nguồn vốn sự nghiệp nông, lâm nghiệp huyện. Các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật ghép mắt cải tạo bằng các giống năng suất, chất lượng; ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cho cây trồng; đầu tư nhà lưới, nhà kính trồng rau, hoa; ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP; một số cơ sở được cấp mã số vùng trồng. Một số doanh nghiệp, HTX đầu tư kho lạnh phục vụ cho bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến các sản phẩm nông sản. Nổi bật là ứng dụng công nghệ cao trong nuôi bò sữa; nuôi lợn giống, lợn siêu nạc quy mô lớn ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp.

Thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, Đảng bộ huyện Vân Hồ ban hành Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp theo hướng hữu cơ đến năm 2025”. Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện chỉ đạo các đơn vị, phòng ban, các xã tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đa dạng các hình thức liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - HTX trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị nông sản; tập trung thử nghiệm, nhập giống mới có ưu thế vượt trội đưa vào sản xuất, nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình canh tác, thâm canh, bảo quản, chế biến ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm nông sản của huyện.

Sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp của Vân Hồ thể hiện bằng những con số ấn tượng: Toàn huyện có 254 ha vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ trải đều tại 14 xã của huyện; trong đó có 83 ha lúa tẻ râu theo hướng hữu cơ; 15 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới sản xuất với tổng diện tích 20.418 m2; 10 tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, với tổng diện tích trên 7 ha; 162 ha đạt chuẩn VietGAP. Toàn huyện có 54 ha cấp mã vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu, 7 sản phẩm OCOP của 2 doanh nghiệp và 3 HTX; 79 mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học với 115 hộ thực hiện, khối lượng ước đạt trên 700 tấn.

Là một trong những xã có diện tích chuyên canh cây ăn quả lớn của huyện, Chiềng Xuân có 204 ha nhãn, 184 ha xoài, 50 ha bưởi, 36 ha cam vinh và một số loại cây ăn quả khác, sản lượng đạt 1.000 tấn/năm. Trong đó, HTX nông nghiệp Tiến Thành, đơn vị tiêu biểu về trồng cây ăn quả trên đất dốc và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX, thông tin: HTX có 10 thành viên trồng 20 ha cam, 27 ha nhãn, 10 ha xoài, 6 ha bưởi, trong đó có 20 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2022, tổng sản lượng các loại quả đạt hơn 400 tấn, doanh thu đạt 10 tỷ đồng.

Vân Hồ có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp trồng các loại rau màu, Công ty Greenfarm đã thành lập HTX Mộc Vân Green, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, để liên kết với nông dân trồng rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Doanh nghiệp đã đầu tư 12 tỷ đồng, gồm tiền đất, nhà màng, hệ thống tưới bán tự động, máy móc, thiết bị, kho lạnh và 5 xe vận chuyển phục vụ sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, HTX sản xuất 15 triệu cây giống bắp cải, cà chua, dưa chuột, cải thảo, cải Kale, cà rốt... để trồng và cung ứng cho thị trường Sơn La và Điện Biên. Sản phẩm của HTX được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, như BigC, Aeon, Lotte, Vinmart... và các trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, mỗi năm từ 300-500 tấn cải thảo, hành tây.

Với tiềm năng, lợi thế và định hướng đúng, có trọng tâm, trọng điểm, huyện Vân Hồ  phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, toàn diện, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường xuất khẩu và chuỗi liên kết trong và ngoài tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới