Thành phố Sơn La có trên 5.000 ha cây cà phê. Qua rà soát, gần 1.150 ha cà phê già cỗi cần tái canh, ghép cải tạo. Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ các hộ trồng cà phê thực hiện tái canh, chăm sóc theo hướng hữu cơ, UTZ, AR và các tiêu chuẩn tương tự.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Thực hiện Kết luận số 1077-KL/TU ngày 10/10/2022 của Thành ủy về lãnh đạo phát triển cây cà phê, UBND Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tổ chức 22 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, tái canh cây cà phê cho 803 lượt người tại các xã, phường. Đồng thời, UBND Thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc tổ chức 10 lớp tập huấn cho 400 lượt nông dân về kỹ thuật canh tác cà phê chè bền vững trên đất dốc; quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh hại cà phê; cải tạo vườn cà phê già cỗi; kỹ thuật thu hái, chế biến và bảo quản cà phê; kỹ năng thương thảo, ký kết hợp đồng với đơn vị thu mua, chế biến và triển khai mô hình “Xây dựng vườn cà phê đầu dòng phục vụ chương trình tái canh cây cà phê tại Tây Bắc” thuộc Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các nhóm nghèo - CRAS”.
Bên cạnh đó, thành phố còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai Dự án GIZ do chính phủ Đức tài trợ, thực hiện trồng tái canh 13 ha cây cà phê tại phường Chiềng An và các xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Chiềng Cọ. Phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm cà phê theo hướng hữu cơ, quy mô 23 ha tại các bản Tòng Xét, Trung Tâm, Tam Quỳnh, xã Chiềng Đen. Phối hợp với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, huyện Thuận Châu thực hiện mô hình trồng cây cây mắc ca che bóng, chắn gió cho 10 ha cà phê tại bản Trung Tâm, xã Chiềng Đen. 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã thực hiện tái canh trên 142 ha, nâng tổng diện tích cà phê tái canh từ năm 2021 đến nay lên 308 ha.
Ngoài ra, thành phố còn phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - MTG triển khai thực hiện Dự án xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với sản xuất cà phê Arabica theo tiêu chuẩn hữu cơ, với quy mô 27 ha, với 34 hộ nông dân của bản Chiềng Yên, xã Chiềng Cọ tham gia.
Ông Nguyễn Vĩnh Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến, cho biết: Công ty đã tổ chức 3 đợt tập huấn cho các hộ tham gia Dự án về các quy định trong sản xuất cà phê hữu cơ và kỹ thuật ủ phân hữu cơ; thành lập HTX cà phê Yên Bình, với 33 thành viên. Dự án đã hỗ trợ 11.400 cây cà phê giống THA1 cho các hộ để thực hiện tái canh và 1.860 cây mắc ca trồng làm cây che bóng cho cây cà phê và được hỗ trợ 5 tấn phân hữu cơ/ha.
Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Hiện nay, xã có 987 ha cà phê, UBND xã đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện mô hình thâm canh, cải tạo cà phê theo hướng hữu cơ tại bản Hùn, với quy mô 8 ha, 17 hộ gia đình. Tham gia mô hình, các hộ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, vay 50 triệu đồng/hộ để đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công chăm sóc cà phê.
Với mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản, góp phần nâng cao giá trị cà phê thành phố nói riêng và “Cà phê Sơn La” nói chung. Hiện nay, cùng với vận động nhân dân thực hiện tái canh cà phê; thành phố tiếp tục duy trì chuỗi liên kết, áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt đối với 77 ha cà phê được chứng nhận VietGAP và 1.330 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4C, RA; 1 chuỗi cung ứng cà phê an toàn, từng bước nhân rộng mô hình sản xuất cà phê theo chuỗi liên kết, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!