Sơn tra hay còn gọi là táo mèo, được trồng nhiều ở xã Làng Chếu, huyện Bắc Yên. Sơn tra chín có mùi thơm dịu, vị chát nhẹ pha chút ngọt thanh, được nhiều người ưa chuộng. Những ngày này, nhân dân trong xã đang tất bật thu hái trên những đồi sơn tra trĩu quả.
Bản Cáo A có hơn 84 ha sơn tra, nhiều nhất xã Làng Chếu. Thăm vườn sơn tra đang cho thu hoạch của gia đình anh Sồng A Phông, khi anh đang cùng gia đình tranh thủ thời tiết nắng lên thu hoạch sơn tra. Anh Phông nói: Cây sơn tra trước đây mọc nhiều ở tự nhiên. Sau đó, nhận thấy giống cây này đem lại giá trị kinh tế, quả tươi đem xuống chợ bán hay thái nhỏ phơi khô làm thuốc, nên nhiều hộ đã đưa giống cây về trồng ở gần nhà, tiện thu hái quả.
Năm nay, gia đình anh Phông có hơn 2ha sơn tra bắt đầu cho thu hoạch, bình quân 2,5 tấn quả/1ha. Đến nay, thương lái đã đến tận vườn thu mua hơn 5 tấn quả, giá bán dao động 4.000 - 8.000 đồng/kg tuỳ từng thời điểm. Dự kiến, vụ táo mèo năm nay trừ chi phí, lãi khoảng 30 triệu đồng.
Còn gia đình anh Sồng A Mang, bản Cáo A, xã Làng Chếu có hơn 5 ha cây sơn tra, chia sẻ: Cây sơn tra ở Làng Chếu hợp khí hậu, thổ nhưỡng, nên phát triển rất tốt. Song để nâng cao năng suất, chất lượng quả, bà con cần chú ý dọn sạch cỏ, tạo sự thông thoáng cho gốc cây và hạn chế sâu bệnh hại xâm nhập. Sau vụ thu hoạch, tỉa cành, tạo tán cho cây để cây phát triển tốt. Duy trì chiều cao ngọn cây 3 - 4m, để thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và thu hái quả.
Anh Mang nói thêm: Thời điểm thích hợp để thu hoạch quả sơn tra tại Làng Chếu bắt đầu từ khoảng tháng 8 đến đầu tháng 10 dương lịch hàng năm. Những trái sơn tra đã chín chuyển từ màu xanh sang màu vàng hoặc đỏ. Những năm gần đây, sơn tra được nhiều người tìm mua, nhưng chỉ bán quả tươi thì giá trị kinh tế không cao. Thời gian tới, tôi sẽ đi học hỏi một số mô hình về cách chế biến sơn tra thành mặt hàng như mứt, rượu... đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao giá trị kinh tế.
Hiện nay, xã Làng Chếu là một trong những xã có diện tích sơn tra lớn của huyện Bắc Yên, với 175 ha, sản lượng ước tính đạt trên 300 tấn quả tươi. Ông Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Xã định hướng phát triển cây sơn tra thành cây đa mục tiêu, không chỉ là nguồn thu nhập đáng kể giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân, mà loại cây này còn trồng xen với rừng tái sinh, rừng phòng hộ vừa bảo vệ rừng chống xói mòn, vừa phủ xanh đồi đất trống, đồi trọc. Chúng tôi đang tìm kiếm liên kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy chế biến, kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch. Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ quả sơn tra, như: Táo sơn tra khô, mứt sơn tra, rượu sơn tra...
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Hội Nông dân mở các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; tìm kiếm, lai tạo các giống sơn tra có chất lượng, năng suất cao để nhân dân đưa vào trồng, giúp ổn định thu nhập, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!