Mai Sơn là huyện có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những năm gần đây, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và tăng thu nhập cho người nông dân.
Những sản phẩm OCOP tiêu biểu
Tháng 8/2018, huyện Mai Sơn đã tổ chức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn”, đây là cơ sở quan trọng, giúp cho việc sản xuất, kinh doanh thuận lợi, bảo vệ và nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng. Đến nay, huyện có 681 ha na; trong đó, gần 335 ha sản xuất theo công nghệ cao, tập trung ở các xã: Cò Nòi, Mường Bon, Nà Bó và thị trấn Hát Lót, sản lượng khoảng 5.250 tấn quả/năm. Huyện đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các HTX về vốn, khoa học kỹ thuật, kiểm định chất lượng sản phẩm.
HTX Mé Lếch, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, thành lập tháng 4/2018, với 26 thành viên, là một trong những HTX đầu tiên trong huyện trồng và chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm “Na Đại Sơn” của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Năm 2023, sản phẩm “Na Đại Sơn” của HTX công nhận là sản phẩm OCOP. Hằng năm, HTX bán ra thị trường gần 150 tấn quả, tổng doanh thu đạt trên 6,5 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Hữu Tứ, Giám đốc HTX Mé Lếch, chia sẻ: Hiện nay, HTX có 70 ha na dai, 70 ha na Thái và 60 ha na Đài vị dứa, vị sầu riêng, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Sản phẩm na của HTX xuất bán ra thị trường đều được dán tem “Na Đại Sơn”, giúp HTX tạo uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho thành viên. HTX đang tiếp tục hướng dẫn các thành viên sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chăm sóc, tăng năng suất, chất lượng, cho thu hoạch đúng thời gian theo ý muốn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là thành viên HTX Mé Lếch từ ngày đầu thành lập, anh Lò Văn Sao, chia sẻ: Gia đình tôi trồng 6 ha na, từ khi được công nhận sản phẩm OCOP, việc tiêu thụ thuận lợi hơn tại nhiều tỉnh, thành phố và các trung tâm thương mại, giá bán cao hơn, đem lại thu nhập ổn định.
Còn tại xã Chiềng Chung, HTX Ara - Tay Coffee, thành lập tháng 3/2020, gồm 14 thành viên, sản xuất 70 ha cà phê. Tham gia chương trình OCOP, HTX được các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, hỗ trợ đánh giá, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. HTX đăng ký sản phẩm cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh được các cơ quan chức năng chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và tạo điều kiện quảng bá rộng rãi, tạo lợi thế nâng cao giá trị, tính cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara - Tay coffee, cho biết: Để đăng ký, xây dựng sản phẩm OCOP, các thành viên HTX tuân thủ quy trình sản xuất, có sổ ghi chép thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2022, sản phẩm cà phê của HTX được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Chuẩn hóa sản phẩm OCOP
Năm 2023, huyện Mai Sơn có 9 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP; trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 7 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được đánh giá xếp hạng đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tham gia chương trình OCOP, tạo cơ hội cho các chủ thể có sản phẩm được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP có logo gắn sao để in, dán trên bao bì, nhãn mác các sản phẩm khi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình OCOP, năm 2024, huyện Mai Sơn có 8 sản phẩm sẽ được chuẩn hóa để chứng nhận là sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, 3 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chế biến; 2 sản phẩm tươi sống; 1 sản phẩm thô, sơ chế; 1 sản phẩm gia vị; 1 sản phẩm cà phê.
Huyện đang hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX và cá nhân đẩy mạnh chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia theo bộ tiêu chí OCOP. Các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng, gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể đầu tư đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Sản phẩm cà phê rang xay của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, bản Thống Nhất, xã Mường Bon, được xây dựng là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2024. Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc nhà máy, thông tin: Công ty đang được huyện hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn, tham gia chương trình OCOP, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm. Đồng thời, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về quản trị, marketing cán bộ quản lý, điều hành của nhà máy; quảng bá, xúc tiến thương mại; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê rang xay của doanh nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm OCOP; đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ, khai thác hiệu quả giá trị sản phẩm OCOP, đáp ứng thị trường trong nước, xuất khẩu.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, cho biết: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo tính bền vững sản phẩm OCOP, huyện đang hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn cho nhân dân về xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP; hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Với nỗ lực của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, HTX và người sản xuất, huyện Mai Sơn có 20 sản phẩm OCOP; trong đó, 10 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định uy tín ở thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đồng thời, hình thành phát triển các vùng sản xuất nông sản xanh - sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!