Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Huyện Vân Hồ hiện có hơn 138.200 con gia súc, trên 470.700 con gia cầm; để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hàng hóa, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được huyện Vân Hồ chú trọng, nhất là đẩy mạnh công tác tiêm phòng dịch để đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn được duy trì và phát triển.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ tuyên truyền nhân dân tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi.

Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng ở các xã. Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 9 lượt bản; 5 lượt xã, làm 80 con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy; bệnh lở mồm long móng ở vật nuôi xảy ra tại 3 bản của xã Tân Xuân làm 155 con trâu, bò nhiễm bệnh; bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 3 bản của xã Liên Hòa, làm 13 con bò bị mắc bệnh.

Trước tình hình dịch bệnh, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị có liên quan thành lập các đoàn công tác, phối hợp với UBND các xã chỉ đạo xử lý ổ dịch; điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, hướng dẫn phun thuốc tiêu độc khử trùng, tiêu hủy động vật mắc bệnh. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc không rõ nguồn gốc ra, vào địa bàn. Rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ liều theo quy định. Xây dựng kế hoạch, phân bổ vắc xin và chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai tiêm phòng trên 46.400 liều vắc xin các loại cho đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Trung tâm phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh; chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biết cách nhận biết để sớm phát hiện, khai báo tình hình dịch bệnh và có phương án chữa trị kịp thời; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch.

Nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về kỹ thuật tái đàn vật nuôi; tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, phòng chống bệnh dại động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ cho các hộ kinh doanh buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...

UBND các xã cũng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục; hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện của bệnh, nghi bị bệnh để báo cáo chính quyền địa phương có biện pháp xử lý.

Ông Vì Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Song Khủa, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có hơn 6.800 con gia súc, trên 37.000 con gia cầm. Bảo vệ đàn vật nuôi, chúng tôi thường xuyên chỉ đạo cán bộ thú y đi đến các bản, các hộ chăn nuôi và tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã và các bản các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh chuồng trại; rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi; tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh và thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho đàn vật nuôi...

Những ngày này, gia đình ông Bàn Văn Bình, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ luôn theo dõi sát sao diễn biến dịch tả lợn châu Phi và thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh để bảo vệ đàn lợn hơn 20 con của gia đình. Ông Bình cho biết: Trước đây, do chủ quan, gia đình tôi không thực hiện tiêm phòng vắc xin và phun khử trùng chuồng trại nên đàn lợn hay mắc bệnh, gây thiệt hại về kinh tế. Từ khi được nhân viên thú y xã tuyên truyền, giải thích, tôi đã hiểu và bắt đầu thực hiện tiêm phòng đầy đủ; thường xuyên mua thuốc phun khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi.

Tích cực phòng, chống dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn, huyện Vân Hồ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tuân thủ các quy định về tiêm phòng, khai báo bệnh dịch, tiêu độc, khử trùng chuồng trại sau khi xuất chuồng; chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, bảo đảm đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, an toàn.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới