Vào mùa mưa, việc trồng và chăm sóc rau xanh gặp một số bất lợi, do bị ngập úng, sâu bệnh. Nông dân huyện Yên Châu đã tích cực áp dụng các biện pháp chăm sóc, điều tiết nước, bảo đảm năng suất, chất lượng, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn.
HTX nông nghiệp Chiềng Phú, xã chiềng Pằn có 9 thành viên, đang trồng 6ha rau xanh; trong đó có hơn 4ha được cấp chứng nhận VietGAP, trung bình mỗi năm bán ra thị trường 300 tấn rau xanh các loại. Ông Hà Văn Dự, Giám đốc HTX, cho biết: Những ngày qua, thời tiết mưa nhiều, để tránh nguy cơ rau bị úng nước, hư hại, làm giảm năng suất, chất lượng, cũng như tăng nhiều chi phí chăm sóc, HTX đã hướng dẫn các thành viên chủ động san bồi lại mặt luống cho thông thoáng, cao ráo, thoát nước tốt để rau không bị ngập úng; chọn các loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch, như cải thìa, cải bó xôi, xà lách… đưa vào trồng. Áp dụng kỹ thuật ươm cây giống trong khay, hoặc túi bầu, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, cây mau bén rễ. Ngoài ra, vận động các hộ tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giúp đất tăng độ tơi xốp, hạn chế xói mòn và rửa trôi.
Là một trong những hộ thành viên của HTX nông nghiệp Chiềng Phú, gia đình ông Hà Đức Chung có hơn 2.000m2 đất trồng các loại rau cải ngọt, cà pháo, mướp đắng. Ông Chung chia sẻ: Mùa mưa, việc canh tác rau xanh vất vả hơn, nhưng bù lại, nếu chăm sóc tốt sẽ thu nhập cao hơn, nhờ giảm công tưới nước, bán được giá cao. Gia đình đã đắp bờ bao xung quanh vườn, đánh rãnh thoát nước giữa các luống rau để tránh ngập và thoát nước tốt. Đồng thời, dự trữ sẵn rơm mục phủ lên mặt luống sau khi xuống giống, tránh tình trạng bị mưa cuốn trôi. Riêng với dưa leo, mướp đắng, phải làm giàn chắc chắn để cây phát triển, quang hợp tốt hơn. Vụ này, gia đình dự kiến thu hơn 5 tấn sản phẩm.
Còn tại xã Tú Nang, tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, nông dân tập trung phát triển rau xanh theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập. Các loại rau cải ngọt, bắp cải, xà lách, các loại rau thơm... có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, thời gian sinh trưởng ngắn, được nông dân lựa chọn đưa vào trồng trong vụ này.
Gắn bó với nghề trồng rau 4 năm nay, gia đình ông Hà Văn Dương, bản Chiềng Ban 1, trồng 3.000m2 rau các loại. Vừa qua, do mưa nhiều không chỉ gây úng, làm đất bị nén chặt dẫn đến nghẹt rễ, cây rau phát triển kém, còn là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại, đặc biệt là bọ nhảy, sâu ăn lá; gia đình ông đã phải nhổ bỏ 1/3 diện tích và trồng lại.
Ông Dương chia sẻ: Giảm thiểu thiệt hại do mưa gây ra, gia đình đã chọn các loại rau cải, mùng tơi, cà pháo... trồng thay thế. Cùng với đó, thường xuyên làm cỏ, loại bỏ nơi trú ngụ của côn trùng gây hại; sử dụng màng phủ nông nghiệp hạn chế ảnh hưởng của mưa dầm và không bị cuốn trôi. Hiện nay, giá các loại rau cải, mùng tơi đạt 8.000 đồng/kg, cà pháo giá 12.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 12 triệu đồng/lứa.
Dự kiến vụ hè năm nay, toàn huyện Yên Châu sẽ trồng hơn 600ha rau xanh các loại, tập trung ở các xã Chiềng Pằn, Chiềng Sàng, Lóng Phiêng, Tú Nang... Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu vụ, các cơ quan chức năng của huyện đã hướng dẫn bà con chọn các giống rau xanh có thời gian sinh trưởng ngắn đưa vào gieo trồng.
Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Để các loại rau xanh phát triển tốt trong mùa mưa, các xã tích cực hướng dẫn nông dân làm luống lên cao, khơi thông rãnh thoát và có biện pháp xử lý khi bị ngập úng cục bộ; đồng thời, dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa, hạn chế nấm bệnh. Đối với rau ăn lá, khuyến khích người dân sử dụng nhà lưới, hoặc mái che giúp làm giảm tối đa tác động của mưa, gây hư hỏng lá; mặt khác, giúp người dân chủ động thời gian xuống giống. Huyện đã chỉ đạo các xã, tăng cường kiểm tra, có biện pháp xử lý sâu bệnh hại rau màu.
Áp dụng phương thức sản xuất phù hợp, nông dân huyện Yên Châu đã chủ động sản xuất, từng bước thích nghi với những ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, góp phần tạo nguồn cung ứng rau xanh cho thị trường, nâng cao thu nhập, hiệu quả sử dụng đất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!