Những năm qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai hệ thống quan trắc tự động, lắp đặt cảm biến đo các chỉ số về chất lượng nước thu thập dữ liệu theo thời gian từ sông, hồ, giếng nước. Hệ thống này không chỉ giúp phát hiện sớm hiện tượng ô nhiễm, suy giảm trữ lượng mà còn hỗ trợ ra quyết định quản lý và phân bổ nguồn nước một cách hiệu quả.
Những năm gần đây, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt diễn ra tại một số địa phương do tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Tại Sơn La, nguồn nước đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động chế biến nông sản, chăn nuôi không qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn, đặt ra nhiều thách thức trong bảo vệ tài nguyên nước.
Giọng nữ

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước
Sơn La là địa phương có tiềm năng lớn về tài nguyên nước với 2 con sông lớn là sông Đà, dài 280 km với 32 phụ lưu; sông Mã dài 90 km với 17 phụ lưu, cùng 35 suối lớn. Tổng lượng nước mặt hằng năm của tỉnh Sơn La đạt khoảng 19 tỷ m³, chủ yếu từ nguồn nước mưa được tích trữ trong hệ thống sông Đà và sông Mã. Trữ lượng nước dưới đất ước tính trên 3 triệu m³/ngày, đêm; ngoài ra, còn nhiều mạch nước dưới đất chưa được phát hiện và khai thác.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Thực hiện Luật Tài nguyên nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 828 ngày 7/5/2024, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành trong việc quy hoạch, điều tra và cấp phép khai thác nguồn nước. Đến nay, toàn tỉnh có 182 công trình được cấp phép tài nguyên nước, trong đó 120 giấy phép do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực, 62 giấy phép do Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp. Tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục 619 nguồn nước nội tỉnh, 35 nguồn nước liên tỉnh; cấp phép khai thác nước mặt cho 63 hồ chứa thủy điện và quản lý, phân cấp 110 hồ chứa thủy lợi theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP.

Toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp cấp nước đô thị và 42 trạm cấp nước đang hoạt động. Hệ thống cấp nước được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo chất lượng và đủ nguồn cung. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt từ 93,2 đến 93,8%. Công tác quản lý cấp nước sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân và doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thông tin thêm: Dù tỉnh có nguồn nước mặt và nước ngầm khá dồi dào, nhưng chất lượng nước đang có dấu hiệu suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải từ chăn nuôi, chế biến nông sản chưa được xử lý đạt chuẩn; việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ trong nông nghiệp và tình trạng xả rác bừa bãi của người dân, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cả nước mặt lẫn nước ngầm.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là sự thiếu hụt dữ liệu đầy đủ và cập nhật về tài nguyên nước, bao gồm trữ lượng, chất lượng, tình hình khai thác, sử dụng. Việc thu thập, lưu trữ, chia sẻ thông tin còn hạn chế, gây khó khăn cho việc đưa ra các quyết định quản lý dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn.
Đặc biệt, biến đổi khí hậu và các vấn đề về môi trường đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho công tác quản lý tài nguyên nước. Sự thay đổi về lượng mưa, nhiệt độ, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến nguồn nước và chất lượng nước. Tình trạng ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm cả ô nhiễm nguồn nước dưới đất do chất thải chăn nuôi và sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước còn hạn chế, dẫn đến sự tham gia chưa đầy đủ của người dân trong các hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn nước.
Cải thiện hệ thống giám sát
Nhiều giải pháp để bảo vệ, sử dụng bền vững các nguồn nước đã được các sở, ngành đề xuất, từ hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường năng lực quản lý, cải thiện hệ thống giám sát đến thúc đẩy sử dụng bền vững, bảo vệ nguồn nước và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập kế hoạch phát triển cấp nước sinh hoạt đô thị qua hệ thống cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách "khuyến khích hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030". Trong dự thảo đã đề xuất nội dung hỗ trợ nhà đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được hỗ trợ chi phí xây dựng công trình ngoài hàng rào và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, Sở đã có văn bản gửi các công ty cấp nước mời quan tâm, đề xuất dự án đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các khu đô thị mới và mở rộng trên địa bàn tỉnh, góp phần đạt mục tiêu 94% dân số đô thị được sử dụng nước sạch năm 2025.
Cũng theo đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La thì hệ thống thủy lợi có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp tỉnh Sơn La, tuy nhiên hiện đang gặp nhiều khó khăn trong quản lý và khai thác. Để đảm bảo hiệu quả bền vững, cần có sự đầu tư đồng bộ, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan.

Theo chia sẻ của Trường Đại học Tây Bắc, việc ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo, cảnh báo sớm về tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nước. Hiện nay, một số địa phương đã ứng dụng thành công Big Data và AI trong quản lý tài nguyên nước, có thể kể đến, như: Hệ thống cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng AI trong giám sát chất lượng nước ở thành phố Hồ Chí Minh; dự án sử dụng AI để phát hiện rò rỉ nước tại Hà Nội. Vì vậy, tỉnh Sơn La cần nghiên cứu, học tập để áp dụng trong quản lý, sử dụng, bảo vệ nguồn nước.
Các công nghệ này sẽ giúp cơ quan chức năng và doanh nghiệp theo dõi liên tục chất lượng, trữ lượng nước, phát hiện sớm nguy cơ ô nhiễm, thiếu nước, từ đó đề xuất các giải pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ số trong quản lý tài nguyên nước còn hướng đến tăng độ chính xác trong giám sát và dự báo; giảm thiểu tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu; tối ưu hóa sử dụng nước và tiết kiệm tài nguyên; hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả…
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nước, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên, môi trường và ứng phó sự cố chất thải đến các tổ chức, cá nhân có nguy cơ phát sinh ô nhiễm. Trang bị thêm thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Các phòng nghiệp vụ, Công an địa phương được giao nắm tình hình, thu thập, phân tích thông tin về công tác bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, từ đó phát hiện bất cập trong quy định pháp luật, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh phù hợp.
Chung tay giữ gìn môi trường trong sạch, nguồn nước trong lành cho tương lai, các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương cần làm tốt công tác phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường.
Minh Thu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!