Phù Yên quản lý nhà nước về khoáng sản

Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản tại huyện Phù Yên đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, hoạt động này cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý, nhất là tình trạng khai thác trái phép, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống nhân dân.

Giọng nữ
Khu vực khai thác đá của Công ty TNHH Hải Hùng nằm trên bản Nà Lìu, xã Huy Hạ.

Ông Phan Quý Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Phù Yên là huyện có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng phong phú, đặc biệt là quặng apatit, đá vôi, đá xây dựng... Khai thác khoáng sản là nguồn lực quan trọng, nhưng nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Vì vậy, huyện đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về khoáng sản, đảm bảo hoạt động khai thác diễn ra đúng quy định của pháp luật.

Trên địa bàn huyện hiện có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: Công ty TNHH Xây dựng Hải Hùng tại bản Nà Lìu (xã Huy Hạ) và Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Hồng Long tại bản Văn Cơi (xã Mường Cơi). Ngoài ra, năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã phê duyệt báo cáo đánh giá tiềm năng khoáng sản than tại các xã Tân Phong, Huy Tường, Tường Phong, Mường Do. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã được quy hoạch 8 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; trong đó, 4 mỏ đá, 1 mỏ đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói và 3 mỏ đất san lấp.

Tuy nhiên, không ít khó khăn đang đặt ra trong công tác khai thác và quản lý tài nguyên khoáng sản. Một số khu vực có dấu hiệu khai thác than và một số khoáng sản khác trái phép tại các xã Suối Bau, Kim Bon, Sập Xa, Đá Đỏ vẫn còn xảy ra. Tình trạng khai thác lén lút vào ban đêm, ngày nghỉ đã gây không ít trở ngại cho lực lượng chức năng. Thêm vào đó, lực lượng kiểm tra, tuần tra của địa phương còn mỏng, một số cán bộ chuyên môn chưa có nhiều kinh nghiệm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chưa thực sự đồng bộ, trong khi kinh phí cho quản lý và bảo vệ tài nguyên chưa được cấp đủ và kịp thời.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Phù Yên đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, bài bản nhằm siết chặt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản. Chỉ trong năm 2024, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức nhiều đợt kiểm tra tại các điểm nóng như các xã Tân Phong, Tường Phong, Mường Do, Tân Lang.

Tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Theo đó, các xã phải xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phối hợp với xã giáp ranh tuyên truyền người dân không tiếp tay cho khai thác trái phép, tổ chức cho các hộ dân gần vùng có khoáng sản ký cam kết chấp hành quy định pháp luật.

Huyện cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để triển khai các đợt khảo sát, đánh giá trữ lượng khoáng sản, tổ chức đấu giá quyền khai thác theo đúng quy định pháp luật. Công tác tuyên truyền pháp luật về tài nguyên - môi trường đến cộng đồng dân cư cũng được đẩy mạnh qua các buổi họp dân, loa truyền thanh, tài liệu trực quan...

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên tổ chức tuần tra đột xuất tại các điểm có nguy cơ cao về khai thác trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nhiều trường hợp san gạt mặt bằng, vận chuyển khoáng sản không rõ nguồn gốc đã bị phát hiện, yêu cầu dừng thi công và xử phạt theo quy định.

Mỏ đá của Công ty TNHH Hải Hùng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường của Công ty TNHH Hải Hùng tại bản Nà Lìu 2, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, có tổng diện tích 6,4 ha, với công suất 25.000 m3 nguyên khai/năm. Ông Sòi Ngọc Hiền, Giám đốc Công ty, cho biết: Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác, vận chuyển khoáng sản, bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã khai thác trên 10.000 m3 đá, phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Phát huy hiệu quả tiềm năng khoáng sản, Phù Yên chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường trong khai thác. Đồng thời, huyện đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm và thu hút lao động địa phương. Phòng Nông nghiệp và Môi trường Phù Yên tăng cường phối hợp với các ngành chức năng trong việc giám sát môi trường, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Huyện đang xây dựng các mô hình khai thác khoáng sản bền vững, góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và phát triển kinh tế xã hội.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phù Yên kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới