Hiệu quả cây gai xanh AP1 trên đất Mộc Châu

Doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ 50% vốn đầu tư giống cây trồng ban đầu và ký cam kết tiêu thụ sản phẩm vỏ cây gai trong 10 năm với giá 40.000 đồng/kg vỏ khô loại 1, loại 2 là 35.000 đồng/kg và loại 3 là 30.000 đồng/kg. 1 ha cây gai xanh cho thu lãi 60-70 triệu đồng/năm. Đó là thông tin mừng, mở ra hướng sản xuất mới thay thế các loại cây trồng trên nương kém hiệu quả cho nông dân ở huyện Mộc Châu.

 

Cây gai xanh trồng ở tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu).

 

Dẫn chúng tôi thăm khu đất nương 9.000m² trồng cây gai xanh, ông Đinh Công Đức, tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu phấn khởi nói: Diện tích này trước đây tôi trồng cây ngô ủ ướp, mỗi năm cho thu khoảng 20 triệu đồng. Tháng 7/2020, tôi tham gia HTX gai xanh AP1 Sơn La và chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây gai xanh; sau 4 tháng, thu lứa đầu tiên và đến nay đã thu được 5 lần, mỗi lần 5,5 tạ vỏ khô, thu về gần 20 triệu đồng/lứa. Như vậy cùng diện tích canh tác trong một năm, cây gai xanh cho thu nhập cao gấp 5 lần trồng cây ngô ủ ướp.

Từ lâu cây gai xanh đã được người dân ở Sơn La trồng lấy lá làm bánh gai và phục vụ chăn nuôi. Năm 2017, cây gai xanh giống AP1 được đưa lên trồng ở huyện Mộc Châu do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hợp tác với Công ty TNHH đầu tư và sản xuất Vinaffi và HTX Gai xanh AP1 Sơn La (Mộc Châu) đầu tư vùng nguyên liệu phục vụ lấy sợi cung cấp cho Tập đoàn dệt may An Phước, tỉnh Thanh Hóa thông qua đầu tư cây giống, vật tư cho người dân theo hình thức trả chậm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Thực tế 5 năm bám rễ trên đất Mộc Châu cho thấy, cây gai xanh giống AP1 dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm, trồng một lần thời gian khai thác đến 10 năm; thu hoạch 4-6 lứa/năm (48-50 ngày/lứa). Vỏ cây gai xanh AP1 sử dụng làm nguyên liệu sợi dệt may công nghiệp; lá làm thức ăn cho cá, gia súc hoặc nguyên liệu tạo mầu cho ngành công nghiệp thực phẩm; củ bào chế dược liệu; lõi cây làm giá thể để trồng nấm hoặc ủ làm phân bón hữu cơ giúp đất tơi xốp.

Ông Phan Văn Hợi, Giám đốc HTX gai xanh AP1 Sơn La, tiểu khu I, thị trấn Mộc Châu cho biết: HTX hiện có hơn 20 thành viên và ký hợp đồng với gần 300 hộ trồng gần 120 ha cây gai xanh AP1 tại xã Tân Lập, Hua Păng, Chiềng Sơn, Lóng Sập, Bó Bun (Mộc Châu) và xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Khoa, Mường Men, Tô Múa, Suối Bàng, Xuân Nha, Tân Xuân (Vân Hồ). Cây gai xanh AP1 trồng 4 tháng sẽ được thu hoạch lứa đầu; từ lứa thứ 2 trở đi cách 2 tháng lại thu hoạch 1 lần. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các loại nông sản tiêu thụ khó khăn thì sản phẩm cây gai xanh vẫn được HTX thu mua với giá theo hợp đồng đã ký. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục hợp tác thêm nhiều hộ dân để mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh AP1.

Có thể thấy, cây gai xanh AP1 phù hợp để trồng thay thế các loại cây kém hiệu quả trên đất dốc và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Để người dân yên tâm chuyển đổi sang trồng cây gai xanh AP1, nâng cao thu nhập, các cơ quan chức năng của tỉnh cần nghiên cứu, liên hệ làm việc cụ thể với các tập đoàn, doanh nghiệp dệt may trong nước có nhu cầu thu mua cây gai xanh AP1 để tham mưu cho tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy tại Sơn La và quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh AP1 phục vụ sản xuất bền vững.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới