Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất

Đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu đã hỗ trợ, giúp bà con kiến thức chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng kỹ thuật trong thâm canh, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững.

 

Mô hình trồng nhãn của nông dân bản Xa Lú, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu.

 

Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu có hơn 20 cán bộ, trong đó chủ yếu là kỹ sư chăn nuôi thú y, lâm nghiệp, kinh tế, thủy sản thường xuyên gắn bó với cơ sở. Trung tâm đã tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo triển khai các dự án phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình nông nghiệp đa dạng về cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao mang tính đặc trưng vùng.

Tập trung triển khai các mô hình khuyến nông sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm.

Đến nay, Trung tâm đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với diện tích hơn 510 ha; hướng dẫn hơn 1.400 hộ gia đình ủ phân hữu cơ; gần 1.700 hộ sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học. Trung tâm cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc và duy trì các điều kiện 27 mã số vùng trồng xuất khẩu, với tổng diện tích 723,7 ha.

Đồng thời, tiến hành khảo sát 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, thị trấn và 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhân rộng các mô hình khuyến nông tiêu biểu, như: Mô hình vườn na, xoài, vườn nhãn tại xã Chiềng Hắc; vườn nhãn ở xã Hua Păng; vườn cam ở xã Nà Mường và Chiềng Sơn…

Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Từ đầu năm đến nay, đã phối hợp tổ chức 48 lớp tập huấn cho hơn 900 lượt người về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật ủ phân vi sinh…; phát hơn 1.100 tờ rơi hướng dẫn phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Ông Thào A Tồng, bản Xa Lú, xã Chiềng Khừa, chia sẻ: Được cán bộ Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp của huyện, khuyến nông xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng và được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả trên đất dốc, từ năm 2016, gia đình tôi đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đến nay đã trồng được 8 ha nhãn, 1,5 ha cây mắc ca, trong đó có 7 ha nhãn đã cho thu hoạch, năng suất đạt 6 tấn/ha, cuộc sống ngày càng khấm khá.

Ngoài ra, Trung tâm còn làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và cây trồng. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức hơn 160 kỳ điều tra, dự báo sinh vật hại cây trồng trên cây chè, ngô, lúa, cây rau, cây ăn quả, châu chấu tre lưng vàng; phát hiện hơn 500 ha cây trồng nhiễm sinh vật hại, kịp thời hướng dẫn nông dân tổ chức phòng trừ. Chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò tại các xã; đến nay 100% xã, thị trấn đã hoàn thành tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục trên trâu, bò, tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 90% tổng đàn.

Phát huy vai trò, đồng hành cùng nông dân, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu tiếp tục tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT và hướng dẫn người dân xây dựng, nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; nắm bắt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới