Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Xây dựng nông thôn mới có thể coi như một cuộc cách mạng đổi mới với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 49 xã; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt được bình quân/xã: 13,5 tiêu chí; thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Trung tâm xã Tông Lạnh (Thuận Châu) ngày càng khang trang, đổi mới.
Ảnh: Phạm Đức
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, ngành nghề và thị trường. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trung tâm thương mại, siêu thị đến các chợ đầu mối, chợ trung tâm tại các đô thị, chợ huyện và chợ xã, ở các cụm dân cư; bảo đảm cung ứng các nhu cầu cơ bản cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới. Thương mại, dịch vụ quốc tế, đặc biệt trong hợp tác kinh tế với các địa phương nước bạn Lào ngày càng được đẩy mạnh, góp phần khai thác tiềm năng, củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị trong tình hình mới. Du lịch có sự phát triển mạnh cả về số lượng khách, loại hình và sản phẩm; hạ tầng du lịch được tập trung quy hoạch và đầu tư. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2004 (theo giá so sánh) đạt 596,325 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 11.555 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2004-2020 tăng 20,1%; tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh tăng từ 34,92% năm 2004 lên 38,74% năm 2020.
Hoạt động tài chính, ngân hàng, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt hiệu quả, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn thiện. Công tác thu, chi có sự chuyển biến tích cực, chuyển dịch theo hướng tăng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Những giải pháp huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thu hút được một số tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát và triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như Tập đoàn TH; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn FLC, Tập đoàn Quế Tâm; Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)...
Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, góp phần kết nối giao thương, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường liên kết vùng. Hạ tầng thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng năng lượng, điện nông thôn phát triển, 97,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được mở rộng, hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, hạ tầng huyện mới thành lập, các khu công nghiệp, thương mại, bưu chính, viễn thông, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch được đầu tư ngày một đồng bộ, theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của nhân dân.
Công tác sắp xếp, ổn định dân cư các xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng tái định cư các công trình thủy điện được quan tâm. Đặc biệt, Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai cuộc đại di dân tái định cư để phục vụ xây dựng hai công trình thế kỷ: thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Riêng thủy điện Sơn La, đã di chuyển 12.584 hộ với 54.282 nhân khẩu của ba huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu đến nơi ở mới. Vùng tái định cư các công trình thủy điện cơ bản được đầu tư đồng bộ, khoa học và công tác khuyến nông được triển khai tích cực; đời sống và sản xuất của nhân dân vùng tái định cư từng bước ổn định, được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Văn hóa, xã hội phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được quan tâm. Các thiết chế văn hoá, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả tích cực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - đoàn thể, sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đến năm 2020 đạt 70%; Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đến năm 2020 đạt 49,5%; Tỷ lệ cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa đến năm 2020 đạt 97%.
Công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực. Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; tư liệu, hiện vật như: Sách Thái cổ, sách Dao cổ, trống đồng, trang phục các dân tộc, sản phẩm đan lát...; di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc (Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng) về Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian được rà soát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học quản lý. Đến năm 2020, tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa 14 loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc. Thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên, tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở và gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
(còn nữa)
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!