Phát huy truyền thống vẻ vang, khẳng định vai trò lãnh đạo - nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng tại Sơn La (*)

Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Thời cơ ngàn năm có một cho nhân dân Việt Nam vùng lên giành độc lập dân tộc. Nắm bắt thời cơ, ngày 21/8/1945, tại Sơn La, đồng chí Chu Văn Thịnh triệu tập, chủ trì cuộc họp Ban lãnh đạo khởi nghĩa quán triệt nội dung lời kêu gọi khởi nghĩa của Hồ Chủ tịch, mệnh lệnh của Tổng bộ Việt Minh, bàn những vấn đề cấp bách về tổ chức lực lượng vũ trang khởi nghĩa, kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở các châu và tỉnh lỵ.

Từ tối ngày 22/8 công tác chuẩn bị, kế hoạch khởi nghĩa ở các châu đã được chuẩn bị khẩn trương. Từ ngày 23/8 khởi nghĩa giành chính quyền bắt đầu diễn ra ở các châu Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu... đến ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở tỉnh lỵ diễn ra thắng lợi. Bộ máy chính quyền cấp tỉnh thành lập, ông Cầm Văn Dung làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời Tỉnh ủy Sơn La. Ban Cán sự Việt Minh tỉnh Sơn La do đồng chí Chu Văn Thịnh làm Chủ nhiệm. Ngày 26/8/1945, tại Lễ mít tinh trên đồi Khau Cả, đồng chí Chu Văn Thịnh - Chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La tuyên bố trước toàn thể nhân dân các dân tộc: Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng hoàn toàn thắng lợi, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng; kêu gọi nhân dân các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau xây dựng cuộc sống, ủng hộ Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Việt Minh.

           

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là mốc lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Sơn La. Làm nên thắng lợi vĩ đại ấy là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, đó là sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí căm thù, tinh thần bất khuất chống giặc của nhân dân các dân tộc... Trong đó, sự lãnh đạo, quá trình xây dựng, chuẩn bị về lực lượng, tổ chức của Chi bộ nhà tù Sơn La đóng vai trò quyết định.

           

2. Thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1945-1954)

           

Vừa giành được chính quyền, chúng ta lại phải đương đầu với hơn 20 vạn quân Tưởng từ phía Bắc tràn xuống nước ta lấy danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất chúng âm mưu bóp chết chính quyền non trẻ và xâm lược nước ta.

           

Tại Sơn La, ngày 31/8/1945, quân Tưởng nhân danh đồng minh đã kéo đến phá hoại chính quyền cách mạng. Trong khi đó, quân Pháp từ biên giới Trung Quốc vào chiếm tỉnh lỵ Lai Châu (cũ) và Thượng Lào rồi đánh xuống Sơn La với âm mưu chiếm toàn bộ Tây Bắc trong thời gian nhanh nhất. Ngày 3/01/1947, chúng đánh chiếm tỉnh lỵ Sơn La.

           

Nhân dân các dân tộc Sơn La dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã cùng với lực lượng quân sự Chiến khu II anh dũng chiến đấu cầm chân, ngăn chặn bước tiến nhanh của thực dân Pháp. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất như trận Mường Mùn (Tuần Giáo), ở Chiềng Pấc (Thuận Châu)... Do tương quan lực lượng chênh lệch giữa ta với địch lớn, lực lượng vũ trang địa phương và bộ đội chủ lực được Trung ương tăng cường phải thực hiện phương châm tác chiến vừa đánh vừa kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch, vừa khôn khéo rút lui để bảo toàn lực lượng, đánh lâu dài. Đến tháng 10/1947, thực dân Pháp cơ bản kiểm soát được các địa bàn trong tỉnh, trừ Mường Bang, Mường Lang, Mường Do của huyện Phù Yên.

           

Tình hình chiến sự diễn biến ác liệt. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào kháng chiến, Trung ương Đảng đã điều động các đợt những cán bộ cốt cán tăng cường lên Sơn La. Vì vậy, đến tháng 10/1946, Chi bộ đảng tỉnh Sơn La được thành lập, đồng chí Trần Quyết, Bí thư Tỉnh ủy làm Bí thư Chi bộ, đến đầu năm 1947, Ban Tỉnh ủy Sơn La thành lập, đánh dấu bước phát triển quan trọng về tổ chức bộ máy lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, những chủ trương quan trọng, cấp bách đã được chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, trọng tâm như gấp rút đào tạo cán bộ, xây dựng căn cứ kháng chiến, thành lập các đội vũ trang tuyên truyền để bí mật luồn sâu vào vùng sau lưng địch hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng các cơ sở cách mạng; xây dựng lực lượng dân quân, du kích, xây dựng bộ đội địa phương; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, cản phá các cuộc phản kích, khủng bố của địch vào các khu căn cứ kháng chiến; diệt tề, trừ gian và phá thế kìm kẹp của địch. Với những biện pháp tích cực đó, từ cuối năm 1948, phong trào kháng chiến trên địa bàn toàn tỉnh từng bước được củng cố và ngày càng lớn mạnh, phát triển rộng khắp, nhiều địa bàn của các huyện Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Yên Châu đã xây dựng được những khu du kích, cơ sở cách mạng vững chắc như: Y Lương, Mường Mần, Hát Lót, Mường Sai (Mai Sơn), Mường Bú, Mường Chùm, Mường Bằng (Mường La), Long Hẹ, Mường Bám (Thuận Châu), Mường Do, Mường Bang, Mường Lang, Mường Cơi (Phù Yên), Mường Lựm (Yên Châu), bản Mòn, A Má, Bó Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang (Mộc Châu). Cùng với phong trào kháng chiến, hệ thống chính trị Đảng bộ tỉnh Sơn La từng bước hình thành, không ngừng được củng cố, phát triển, như Ty bình dân học vụ, Tỉnh đội bộ dân quân; Mặt trận Việt Minh Sơn La và các tổ chức cứu quốc không ngừng lớn mạnh về tổ chức. Đến cuối năm 1948, Mặt trận Việt Minh và các Hội cứu quốc đã phát triển rộng khắp các các địa bàn trong toàn tỉnh. Số hội viên phát triển nhanh, từ 520 người lên 2.490 người năm 1949. Các xã trong khu căn cứ thành lập Ban chấp hành hội cứu quốc; trong vùng hậu địch có Tổ trưởng Tổ cứu quốc.

           

Phong trào kháng chiến phát triển vững chắc, đã làm thất bại âm mưu thâm độc lập vành đai trắng của thực dân Pháp, tạo ra thế trận mới cài răng lược giữa ta và địch, dồn địch vào thế bị động, mất hậu phương an toàn.

           

(còn nữa)

           

Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

 

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới