Trong những ngày tháng Tư lịch sử, theo giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Mai Sơn, chúng tôi đến thăm những người lính đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 50 năm sau ngày giải phóng, các cựu chiến binh vẫn rất tự hào khi kể về những cuộc hành quân gian khổ, những trận đánh oanh liệt với quyết tâm thu về một dải non sông.
Đến thăm ông Đào Xuân Nhạc, thôn Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, chúng tôi được ông kể cho nghe về những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu anh dũng. Bước sang tuổi 77, nhưng khi nhớ lại mốc son lịch sử 50 năm trước, đôi mắt ông Nhạc vẫn ánh lên niềm tự hào. Sinh năm 1948, tại huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, tháng 3/1967, chàng thanh niên Đào Xuân Nhạc khi đó mới 19 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, xung phong nhập ngũ và được biên chế về đơn vị C10 - D6 - E52 - Sư đoàn 320 và được huấn luyện để chuẩn bị vào chiến trường. Tháng 10/1967, đơn vị ông hành quân vào Nam chiến đấu.

Ông Nhạc bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, những người lính hành quân ra trận với khí thế hừng hực, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. 3 tháng ròng rã đi bộ từ Bắc vào Nam, đôi chân phồng rộp, mọng nước… Mặc dù khó khăn là vậy, tôi và đồng đội đều vững niềm tin, đảm bảo tập kết đúng kế hoạch của chiến dịch. Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi đến Khe Sanh, Quảng Trị, được đơn vị tổ chức ăn Tết ngay tại chiến trường. Thời điểm này, hàng hóa, đạn dược, lương thực, nhu yếu phẩm tập kết về rất nhiều, đơn vị liên tục tổ chức vận chuyển phục vụ bộ đội chiến đấu, bảo vệ sân bay Tà Cơn.
Công việc của người lính bộ binh rất vất vả. Từ 4 giờ sáng, ông và đồng đội nhận hàng rồi vận chuyển đến điểm tập kết cách đó khoảng 20 km. Quãng đường này, các phương tiện cơ giới không đi được, các chiến sĩ chỉ có cách gùi hàng, mỗi lần gùi số hàng 40-50 kg. Khi ấy, địch đánh phá ác liệt, những cung đường bom mìn, chất độc hóa học rải suốt ngày đêm. Đường rừng hiểm trở, ông và đồng đội phải trèo đèo, lội suối với khối hàng rất nặng trên lưng. Lại thêm địch dùng máy bay trinh sát, nếu phát hiện có dấu hiệu khả nghi thì ném bom, bắn phá ác liệt. Nhiều đồng đội trúng đạn địch, người bị thương, người hy sinh. Mới đầu, hai vai ông sưng lên, đau đớn không chịu nổi, nhưng sau đó trở thành chai, quen dần. Không trực tiếp cầm súng tham gia trận Khe Sanh, nhưng qua công tác chuyển đạn, tải thương, ông thấy thấy rõ sự ác liệt của chiến tranh và sự hy sinh to lớn của cả dân tộc.

Ôn lại ký ức những năm tháng hào hùng nhưng cũng không ít đau thương, cựu chiến binh Đào Xuân Nhạc chia sẻ: 9 năm trong quân ngũ, tôi tham gia các chiến dịch lớn, như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; chiến dịch đường 9 Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh. May mắn nhất là trải qua nhiều trận chiến ác liệt, cam go, mà vẫn trở về lành lặn… Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ mãi những phút giây sinh tử cùng đồng đội khi bom B52 của địch dội trên đầu, khi nằm trong những lòng hố bom, vùi mình dưới lớp bùn nhão tránh trận càn.
Năm 1976, sau khi ra quân, ông bắt đầu hành trình từ quê hương Hoài Đức, Hà Nội, lên huyện Mai Sơn để phát triển vùng kinh tế mới. Từ một người lính trở về với cuộc sống bình thường, ông dành hết sức mình cho công việc sản xuất, phát triển kinh tế. Ông tham gia vào các phong trào của địa phương, giúp đỡ bà con trồng trọt, chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp. Giờ đây, dù tuổi đã cao, nhưng ông Nhạc vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh; truyền dạy cho con cháu những câu chuyện lịch sử, những bài học về lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với quê hương.

Ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, cho biết: Toàn xã Hát Lót hiện có 63 cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến trường giải phóng miền Nam. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tọa đàm, bày tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh, mất mát của các cựu chiến binh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa, những người lính trong kháng chiến năm xưa nay đã ở tuổi "xưa nay hiếm”. Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình, hạnh phúc, thế hệ trẻ hôm nay càng thêm trân trọng, tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc, nguyện bước tiếp trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!