Ký ức của CCB tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh

Những ngày tháng 4, ký ức về một thời cùng đồng đội xông pha giữa mưa bom, bão đạn, khi tham gia Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, của CCB Lù Văn Vinh, bản Mé, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La, lại trào dâng, với bao cảm xúc tự hào, trân trọng.

Giọng nữ
Ông Lù Văn Vinh chia sẻ những kỷ niệm thời quân ngũ với gia đình.

Năm 1968, tròn 20 tuổi, anh Vinh lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị thuộc Quân khu Tây Bắc. Sau 6 tháng huấn luyện, đơn vị nhận lệnh làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Lào đánh địch, tiễu phỉ ở Xiêng Khoảng.

Tháng 7/1970, ông được kết nạp vào Đảng. Đến giữa năm 1974, đơn vị trở về đóng quân tại Nghệ An, lúc này ông là thiếu úy, chính trị viên Đại đội. Cuối năm 1974, đơn vị hành quân vào Tây Nguyên, Đại đội của ông được biên chế 3 tiểu đội bộ binh và 1 tiểu đội súng cối.

Ngày 4/3/1975, quân ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, trấn giữ ở đây là Sư đoàn 23 ngụy. Đại đội của ông có nhiệm vụ đánh chiếm một cây cầu trên quốc lộ 14, cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 10 km và bảo vệ cầu để cho xe tăng cùng bộ binh ta tiến vào. Tại đây, địch bố trí quân trong các lô cốt ở điểm cao và hỏa lực rất mạnh, ngay khi một trung đội của ta tiến vào, lập tức địch bắn xối xả, quân ta bị thương gần chục người, nên phải lui ra. Chiều tối cùng ngày, đơn vị ông Vinh được sự yểm trợ 4 xe tăng, nhưng vẫn chưa tiếp cận được mục tiêu.

Sáng sớm ngày 5/3/1975, ông Vinh mang theo một khẩu AK lên nóc xe tăng cùng đồng chí Chính trị viên Đại đội xe tăng chỉ huy quân ta tiến vào. Vừa qua hàng rào dây thép gai, địch chống trả quyết liệt, đồng chí Chính trị viên Đại đội xe tăng trúng mảnh đạn M79, bị thương nặng. Đến hơn 8 giờ sáng, quân ta mới buộc địch phải rút chạy. Đơn vị ông có 2 chiến sĩ hy sinh, 9 người bị thương. Liên tiếp những ngày sau đó, Đại đội được lệnh truy kích địch theo quốc lộ 21 đi Phan Thiết, nhưng khi vào gần đến sân bay Hòa Bình, bị lữ đoàn 45 địch phục kích, Đại đội phó Mã Văn Sao, người Cao Bằng, bị thương nặng phải chuyển về tuyến sau.

Ông Lù Văn Vinh (người đứng thứ 3 từ phải sang) và đồng đội tại cánh đồng chum, Xiêng Khoảng, nước bạn Lào (năm 1970).
Ảnh: Do nhân vật cung cấp

Sau khi Tây Nguyên giải phóng, đơn vị được lệnh hành quân theo quốc lộ 14 xuống Bình Long - Phước Long, nhiệm vụ tuyệt đối giữ bí mật, chỉ huy đơn vị tổ chức quán triệt, động viên tinh thần bộ đội. 17 giờ, ngày 26/4, quân ta tiến công mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc này, chỉ huy Tiểu đoàn mới giao nhiệm vụ cho đại đội lập chốt, chôn mìn chống tăng tại đường Ấp Chợ lên Tây Ninh và Phức Hiệp, Củ Chi để ngăn chặn chi viện của địch.

Ông Vinh nhớ lại: Khoảng 2 giờ sáng ngày 27/4, tôi mang theo súng AK và 2 quả đạn B40, chỉ huy đơn vị vào trận địa nhưng tình huống hết sức cam go, bộ đội ta chỉ có xẻng công binh, không đào được đường nhựa để đặt mìn. Địch phát hiện, chúng liên tiếp nã pháo, phía trên thì trực thăng bắn xối xả, tôi lệnh cho đơn vị tỏa ra tìm nơi ẩn nấp và bắn trả. Lúc này, trận đánh hết sức ác liệt, đơn vị mất liên lạc với tiểu đoàn, địch huy động thêm 4 xe tăng, 2 xe bọc thép hỗ trợ bộ binh tấn công, quân ta phải men theo các bờ ruộng, đào công sự, dùng B40 và cối 60 mm bắn xe tăng và xe bọc thép địch.

Đến đây giọng ông xúc động, rơm rớm nước mắt: Ta và địch giằng co nhau đến chiều tối, địch bị thiệt hại nặng, nhưng quân ta cũng bị thương và hy sinh nhiều, xót xa nhất là không liên lạc được để đưa thương binh, tử sĩ ra ngoài, nhìn anh em đau đớn mà bất lực.

Đến chiều 28/4, liên lạc được với Tiểu đoàn cho quân vào tiếp ứng đánh lui địch. Sáng 29/4, đơn vị ông được điều sang Trảng Bàng, Tây Ninh, làm nhiệm vụ bảo vệ một trung đoàn pháo do ta vừa chiếm được. 11 giờ 30 ngày 30/4, Sài Gòn giải phóng, nghe qua Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cả đơn vị ôm nhau mừng rỡ, nhưng nhớ về những đồng đội đã hy sinh, ai cũng rưng rưng nước mắt.

Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Vinh còn tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1984, ông về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Sơn La, làm trợ lý tuyên huấn với cấp bậc Đại úy. Đến tháng 12/1988, ông Vinh được nghỉ hưu với cấp bậc Thiếu tá. Về địa phương, ông Vinh còn tham gia lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã.

Ghi nhận những đóng góp, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba; Huy hiệu 30 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm và 55 tuổi Đảng và Nhà nước Lào tặng Huân chương Ít xa la.

Năm nay, bước sang tuổi 77, tóc đã bạc trắng, nhưng ông Vinh vẫn giữ tác phong quân đội. Ông bảo: Tôi may mắn trở về nguyên vẹn. Bây giờ còn khỏe, dịp này, tôi sẽ đi Hòa Bình và Lào Cai thăm đồng đội đã sát cánh cùng nhau chiến đấu, để ôn lại những năm tháng chiến tranh.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới