Giải phóng miền Nam trong ký ức cựu chiến binh

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã trôi qua nửa thế kỷ, nhưng ký ức một thời hoa lửa vẫn luôn in đậm trong trí nhớ của những cựu chiến binh đang sinh sống trên địa bàn huyện Bắc Yên.

Giọng nữ
CCB Bùi Đăng Bình chia sẻ bức ảnh kỷ niệm về tình đồng đội.

Theo lời giới thiệu của Hội CCB huyện Bắc Yên, chúng tôi đến gặp cựu chiến binh (CCB) trực tiếp tham gia chiến trường miền Nam là ông Bùi Đăng Bình, đang sinh sống tiểu khu 3, thị trấn Bắc Yên. Đã hơn 70 tuổi, nhưng những chặng đường chiến đấu của quân và dân ta trải qua để tiến tới giành độc lập, non sông thu về một mối luôn khắc sâu trong tâm trí ông.

Ông Bình nhớ lại: Tôi sinh ra ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nhưng từ năm 9 tuổi đã theo chú ruột vào sống ở Hà Tĩnh. Lúc đó, Mỹ đang ném bom phá hoại miền Bắc để cắt đứt đường chi viện cho miền Nam. Năm 17 tuổi, tôi xung phong đi khám tuyển nghĩa vụ 3 lần nhưng đều bị từ chối. Đến năm 1974, khi có lệnh tổng động viên, tôi cùng hai người bạn viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được chính thức lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 11/12/1974, ông Bình nhập ngũ và được huấn luyện tại Đoàn 22, Quân khu 4 ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đến đầu tháng 2/1975, ông được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4, đóng quân tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

CCB Bùi Đăng Bình (người thứ 3 từ trái qua) chụp ảnh cùng đồng đội.

Theo ông kể: Trung tuần tháng 2/1975, đơn vị ông Bình lên đường vào chiến trường Tây Nguyên qua con đường mòn Hồ Chí Minh. Dọc các tuyến đường, đâu đâu cũng thấy những người lính trẻ, dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong, tất cả đều có một khát vọng chung là “Nam tiến”.

Đến ngày 7/4/1975, không khí trong cánh rừng Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai) trở nên căng thẳng, mọi người thức suốt đêm để chuẩn bị cho trận chiến lớn sắp tới. Trước giờ ra trận, bữa cơm tối hôm ấy rất đầy đủ với rau rừng, thịt hộp, và cả cá mòi từ sông La Ngà. Mỗi người tranh thủ chỉnh sửa súng ống, viết thư cho gia đình và những dòng nhật ký.

Ông Bình vẫn nhớ lá thư gửi về từ chiến trường, chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Mẹ ơi, con vẫn khỏe. Mẹ giữ gìn sức khỏe, ngày chiến thắng con sẽ về”. Đó là sợi dây kết nối giữa hậu phương và tiền tuyến, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho các chiến sĩ để họ vững vàng trên con đường chiến đấu.

Đêm 8/4/1975, đơn vị ông Bình vượt sông La Ngà, huyện Định Quán, áp sát thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh, một chốt chặn quan trọng trong tuyến phòng thủ cuối cùng bảo vệ cửa ngõ Sài Gòn. Đến sáng ngày 9/4/1975, hàng loạt bộc phá phá tan hàng rào thép gai, mở đường cho bộ binh tiến quân. Trận đánh kéo dài nhiều ngày, ta và địch giành giật từng con phố, từng ụ đất.

Ông Bình (bên phải) kể lại cuộc chiến đấu năm xưa. 

Khi quân ta chiếm được Dinh Tỉnh trưởng trưa 11/4/1975, chiến sự vẫn chưa kết thúc. Địch cố thủ quyết liệt, điều thêm viện binh, xe tăng, pháo binh yểm trợ. Máy bay địch quần thảo, trút bom xuống trận địa, nhưng quân ta vẫn kiên cường bám trụ.

Ngày 21/4/1975, trước sức ép của ta, địch rút chạy, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh. Chiến thắng Xuân Lộc như cánh cửa mở toang dẫn thẳng vào Sài Gòn. Cả chiến trường vỡ òa trong niềm vui sướng. Những đoàn quân tiếp tục hành quân thần tốc.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh từ ngày 26-30/4/1975, đơn vị ông Bình tiến đánh Trảng Bom, Hưng Nghĩa, sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, rồi thẳng tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975. Xa lộ Biên Hòa ngập tràn xe cộ, vũ khí của quân ngụy bỏ lại. Mỗi bước chân tiến vào thành phố là một bước đi giữa lịch sử.

5 giờ sáng ngày 1/5/1975, đơn vị ông tiến vào ga Bình Triệu. Dù trời còn tối nhưng nhân dân đã đổ ra đường vẫy cờ, reo hò. Một người mẹ Nam Bộ chạy đến, ôm chầm lấy ông Bình, nước mắt lăn dài trên má: “Các con đã về rồi...!”. Những giọt nước mắt vui mừng, những cái ôm thật chặt giữa người lính và nhân dân khiến con đường từ Bình Lợi đến Dinh Độc Lập dù chỉ dài 5 km chật ních.

Chiến thắng đến, niềm vui ấy không chỉ lan tỏa trong những ngày mừng chiến thắng 30/4, mà còn theo ông suốt cả cuộc đời. Đến giờ, ông vẫn luôn khắc ghi những tháng ngày chiến đấu ác liệt, tình đồng chí, đồng đội trở thành điểm tựa vững chắc nhất đối với người lính; không thể quên những đêm hành quân xuyên qua rừng sâu, những trận chiến khốc liệt và cả những người đồng đội mãi mãi nằm lại trên chiến trường.

Tháng 2 năm 1981, ông bắt đầu hành trình từ quê hương Thái Bình lên Bắc Yên, Sơn La để phát triển vùng kinh tế mới. Từ một người lính trở về với cuộc sống bình thường, ông dành hết sức mình cho công việc sản xuất, phát triển kinh tế. Ông tham gia vào các phong trào của địa phương, giúp đỡ bà con trồng trọt, chăn nuôi và hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp. Giờ đây, dù tuổi đã cao, nhưng ông Bình vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh; truyền dạy cho con cháu những câu chuyện lịch sử, những bài học về lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm với quê hương.

Ông Phan Hồng Dương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Yên, cho biết: Hiện tại, huyện còn 4 đồng chí trực tiếp tham gia chiến trường giải phóng miền Nam. Thời gian qua, ngoài việc phối hợp với Ban liên lạc Sư đoàn 341 để tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi và tri ân sự cống hiến của những người lính năm xưa. Hằng năm, Hội tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện và các địa phương tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, bày tỏ lòng biết ơn đối với những hy sinh, mất mát của các CCB trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

50 năm trôi qua, những ngày tháng chiến đấu gian khổ, đầy tự hào của những người lính tham gia chiến trường miền Nam năm xưa mãi là trang sử hào hùng để các thế hệ con cháu khắc ghi, học tập, phát huy tinh thần phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong xây dựng quê hương đất nước.

Bài, ảnh: Tuấn Hiển (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới