Xúc tiến thương mại có vai trò quan trọng, tạo “đòn bẩy” mở rộng đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Các chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
Đa dạng hình thức tiêu thụ nông sản
Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản. Hình thức kết nối, xúc tiến, quảng bá được các huyện, thành phố, doanh nghiệp, HTX thực hiện đa dạng hình thức.
Ông Nghiêm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, thông tin: Đưa hàng hóa của tỉnh “phủ sóng” rộng trên thị trường, Trung tâm phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng; theo dõi, tham mưu kịp thời để các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX.
Từ đầu năm tới nay, đơn vị tổ chức 3 chương trình xúc tiến, quảng bá nông sản; phối hợp với các doanh nghiệp, HTX tham gia 12 chương trình hội chợ tại các tỉnh, thành phố; triển khai thiết kế, chế bản, lên phim, in sách ảnh giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La; phối hợp với UBND huyện Yên Châu tổ chức Lễ ký kết đưa quả Mận hậu Sơn La trên các chuyến bay Vietnam Airlines năm 2023; Lễ khởi hành đưa sản phẩm Mận Sơn La về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nhiều hoạt động xúc tiến thương mại khác.
Cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh Sơn La tham gia Hội chợ Thương mại quốc tế Trung - Việt lần thứ 29 tại Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc. Hội chợ có sự tham gia của nhiều nước, vùng lãnh thổ, trong đó 142 gian hàng của 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
10 HTX tiêu biểu đại diện cho các HTX và doanh nghiệp tỉnh tham gia mang đến hội chợ những sản phẩm nông sản đặc trưng: Xoài tượng da xanh; chè Trọng Nguyên; hạt mắc ca Đạt Thủy; tinh bột sắn Mai Sơn; cà phê Bích Thao và các sản phẩm quả sấy dẻo của HTX Quyết Thanh Mộc Châu.
Vừa trở về từ Hội chợ Thương mại quốc tế Trung - Việt lần thứ 29, ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Mường Bú, huyện Mường La, cho biết: Tham gia hội chợ, HTX mang 6 tạ xoài Đài Loan trồng theo quy trình VietGAP trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Xoài Sơn La được bạn hàng Trung Quốc đánh giá cao mẫu mã, chất lượng. Tại hội chợ, HTX đã kết nối với nhiều bạn hàng phía Trung Quốc.
Cùng tham gia chuyến đi này, ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy chế biến tinh bột sắn, Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Chi nhánh Sơn La, thông tin: Để hội nhập sâu rộng và khẳng định thương hiệu tại thị trường tiêu thụ nội địa Trung Quốc, tham gia chuyến đi này, ngoài mục đích kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, còn là cơ hội để chúng tôi tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng nước ngoài; lắng nghe những đóng góp, yêu cầu về chất lượng, những điểm cần khắc phục của sản phẩm tinh bột sắn. Chúng tôi đã gặp rất nhiều đối tác có nhu cầu và muốn ký kết nhập sản phẩm của công ty. Niên vụ sản xuất 2022 - 2023, nhà máy thu mua 110.000 tấn sắn nguyên liệu, sản xuất 30.000 tấn tinh bột sắn thành phẩm, 5.000 tấn bã sắn; tạo việc làm ổn định cho 150 lao động tại nhà máy, hàng trăm lao động thời vụ và hàng vạn lao động trồng sắn trên địa bàn toàn tỉnh.
Gắn xúc tiến thương mại với chuyển đổi số
Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả các loại, trong đó một số nông sản có diện tích, sản lượng lớn là: Xoài, nhãn, chuối, mận... Ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với doanh nghiệp.
Điều này thể hiện một cách rõ nét khi doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm với việc áp dụng phổ biến hình thức thanh toán thông qua quét mã QR hay cài đặt ứng dụng quét mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn, định hướng người dân phương thức đặt hàng, thanh toán thông qua các ứng dụng trên internet khi mua sản phẩm...
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu, tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng.
Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Song song với các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, Sở triển khai việc đưa các sản phẩm của tỉnh ra thị trường quốc tế trên môi trường trực tuyến, thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com. Thực hiện việc quảng cáo trả phí Google Adwords cho các doanh nghiệp, HTX cung cấp các sản phẩm cà phê trên trang tìm kiếm Google tại thị trường Anh và Đức, sản phẩm xoài tại thị trường Úc, Trung Quốc.
Đồng thời, lựa chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản tham gia hội chợ triển lãm trực tuyến; đưa sản phẩm nông sản lên các sàn thương mại điện tử, trên các nền tảng mạng xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm của hơn 100 doanh nghiệp, HTX được giới thiệu, quảng bá trên Sàn Thương mại điện tử. Sơn La đã xây dựng trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, HTX tại địa chỉ http://agritradepage.vn/. Trang thông tin được định hướng là kênh thông tin giới thiệu chính thống cho các doanh nghiệp, HTX và các sản phẩm nông sản của Sơn La. Hỗ trợ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp, HTX của tỉnh xây dựng thương hiệu, kết nối với đối tác trong nước và quốc tế một cách thuận tiện, dễ dàng.
Qua đó, góp phần đưa giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của tỉnh 6 tháng năm 2023 ước đạt 80,9 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 76,4 triệu USD. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã giới thiệu và xuất khẩu sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.
Tiêu biểu HTX Nông nghiệp Quyết Thanh, huyện Mộc Châu, với việc đưa bộ sản phẩm quả chế biến lên sàn thương mại điện tử được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Bà Lương Thị Thanh, Phó Giám đốc HTX, nói: Sản phẩm của HTX hiện nay đã đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn. Thông tin đặt hàng, vận chuyển và quảng bá thương hiệu được thực hiện nhanh chóng, không tốn thời gian, công sức. Doanh thu từ thương mại điện tử trong bán hàng tăng từ 20% - 30% so với 2-3 năm về trước.
Tìm kiếm cơ hội, trao đổi hàng hóa
Trong kế hoạch tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2023, tỉnh Sơn La phấn đấu giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu đạt 184 triệu USD, tăng 5,24% so với năm 2022. Trong đó, sản phẩm nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu đạt 171,8 triệu USD, tăng 5,29% so với năm 2022.
Các sản phẩm xuất khẩu nông sản, thực phẩm, gồm: Xoài 8.000 tấn, nhãn 4.500 tấn, chuối 4.500 tấn, chanh leo 1.000 tấn, chè 11.000 tấn, cà phê 31.500 tấn, các sản phẩm nông sản chế biến khác. Thị trường xuất khẩu sang các nước EU, Trung Đông, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ, Ấn Độ, Anh…
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin: Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử nhằm tìm kiếm cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm chủ lực của tỉnh tiếp cận thị trường trong và ngoài nước, thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu, giao thương, hội nghị, hội thảo... trong và ngoài nước.
Tăng cường thúc đẩy việc tìm kiếm, nắm bắt thông tin thị trường, giá cả, nhu cầu mua bán sản phẩm, hàng hóa để cung cấp kịp thời các doanh nghiệp; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xúc tiến thương mại theo nhu cầu và tín hiệu của thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!