Xây dựng vườn ươm cây giống nâng cao chất lượng cà phê Sơn La

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Sơn La thực hiện tái canh 9.800 ha cà phê; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Tháng 8/2022, Dự án CRAS “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại Sơn La và Điện Biên, xem xét tác động của dịch Covid - 19” đã hỗ trợ xây dựng vườn ươm cung ứng giống cho nông dân trên địa bàn huyện Thuận Châu và Mai Sơn.

Đoàn tham quan mô hình vườn ươm cây giống tại tỉnh Đắk Lắk.

Ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh thực hiện tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển cà phê đặc sản 3.900 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 15.000 ha; tạo việc làm ổn định thu nhập cho trên 18.000 hộ gia đình trồng cà phê. Bảo vệ môi trường nước, không khí trong vùng trồng, sơ chế, chế biến cà phê; hàng năm xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ.

 

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nhiều diện tích cà phê của tỉnh Sơn La đã trồng gần 30 năm nên đã thoái hóa giống, giảm năng suất, giảm khả năng chống bệnh. Vì vậy, diện tích cà phê cần phải tái canh rất lớn nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có các vườn nhân giống cây đầu dòng. Dự án CRAS hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng vườn ươm cây giống cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La là thiết thực.

Vườn ươm cây giống cà phê của HTX Quyết Thắng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Chị Nguyễn Thị Vân, nghiên cứu viên, Viện Khoa học kỹ nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, cho biết: Dự án đã xây dựng 2 ha vườn nhân chồi giống cà phê TN1 và TN2 tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La; phối hợp với Công ty cổ phần cà phê Detech triển khai trồng 10 ha vườn giống cà phê tiềm năng để sản xuất hạt giống THA1, H1 và Stamaya tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu; phối hợp với HTX cà phê Thái Việt, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn triển khai trồng 1 ha vườn tiềm năng THA1. Dự án đã thực hiện hỗ trợ HTX Quyết Thắng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn và HTX Thuận Sơn, xã Tông Lệnh, huyện Thuận Châu hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giống, kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh cho đơn vị. Năm 2023, các HTX đã xuất giống cà phê mới THA1 ra thị trường khoảng 150.000 cây.

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê tái canh cho nông hộ tại bản Muông Yên, xã Chiềng Cọ, Thành phố Sơn La.

Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Quyết Thắng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, chia sẻ: HTX có 7 thành viên, trồng 10 ha cà phê. Nhu cầu giống cà phê để thực hiện ghép, trồng mới diện tích cà phê của HTX và nông hộ trong vùng rất lớn. Năm 2023, HTX được Dự án hỗ trợ kỹ thuật sản xuất hơn 80.000 cây cà phê giống THA1. Niên vụ 2024, HTX sẽ ươm trồng khoảng 60.000 cây giống THA1, giá bán 3.000 nghìn đồng/cây, dự tính sẽ cho thu nhập 180 triệu đồng.

Cán bộ Dự án cấy cây giống cà phê vào bầu.

Dự án đã xây dựng các tài liệu truyền thông, video hướng dẫn sản xuất cây giống cà phê trong vườn ươm cho nông dân; mở 40 lớp TOF trên địa bàn tỉnh Sơn La về canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho 1.600 nông dân;  Tổ chức cho 36 đại biểu Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật tỉnh, Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các hộ nông dân, HTX 3 huyện thực hiện Dự án tham quan các mô hình trồng giống mới, quản lý vườn giống tại tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk.

Kết quả triển khai sản xuất cât giống trong vườn ươm, qua theo dõi, tỉ lệ chồi sống sau ghép lần 1 đạt 80%, tỉ lệ cây trồng mới sống đạt trên 95%. Dự án đã tiến hành ghép và trồng mới đạt gần 100%, tỷ lệ sống sau lần 2 đạt khoảng 90%. Diện tích cà phê trồng mới trong mô hình được trồng xen với đậu đen với mục đích che phủ, hạn chế cỏ dại và cải tạo đất.

Thành viên HTX Quyết Thắng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn chăm sóc vươn ươm cây giống cà phê.

Sau gần 2 năm thực hiện, Dự án đã đạt được mục tiêu đề ra, góp phần xây dựng vùng chuyên canh cà phê Arabica Sơn La bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động, sẵn sàng các điều kiện để thích ứng với các quy định mới của các nước nhập khẩu để “Cà phê Sơn La” tiếp tục vươn ra thế giới.

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới