Xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tỉnh Sơn La tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản. Đây là bước đi chiến lược, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Giọng nữ
Vùng sản xuất mận ứng dụng công nghệ cao tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Với mục đích liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, 17 hộ dân ở bản Hang Mon 1 và 2, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, góp vốn và 35 ha đất thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, trồng mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau 7 năm, diện tích tăng lên 70 ha. Các thành viên nắm vững kỹ thuật canh tác VietGAP, hữu cơ, tạo ra quả mận chất lượng cao, giá bán cao hơn 20-30% so với trồng truyền thống.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát, cho biết: Tham gia chuỗi liên kết, việc tìm đầu ra cho nông sản, không còn là nỗi lo được mùa mất giá như trước; việc sản xuất theo đơn đặt hàng, giúp các thành viên HTX chuyên tâm sản xuất, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, là điểm sáng trong xây dựng chuỗi liên kết giá trị cho quả thanh long. Từ 11 thành viên ban đầu, sau 9 năm hoạt động, HTX phát triển lên 215 thành viên, với 500 ha cây ăn quả, chủ lực là thanh long ruột đỏ. Năm 2024, có 200 ha thanh long cho thu hoạch khoảng 4.000 tấn quả, trong đó, 800 tấn xuất khẩu sang các thị trường các nước: Nga, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý... giá trung bình 45.000 đồng/kg; phần còn lại tiêu thụ trong nước với giá 15.000 đồng/kg. Doanh thu HTX đạt 8,4 tỷ đồng, bình quân 300 triệu đồng/ha.

Thành viên HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng trao đổi kinh nghiệm thu hái thanh long.

Ông Đỗ Danh Nhất, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Tham gia HTX, điều thuận lợi nhất là thành viên chỉ cần tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả đúng kỹ thuật, quy trình đã được hướng dẫn, đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm. Còn việc tiêu thụ sản phẩm, đã có HTX đứng ra đảm nhận.

Đánh giá về vấn đề này, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, thông tin: Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, giúp các HTX, doanh nghiệp duy trì tăng trưởng, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Đồng thời, đảm bảo nguồn cung nông sản phong phú, chất lượng. Toàn tỉnh đã xây dựng 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, thủy sản an toàn, trong đó, 188 chuỗi quả an toàn với diện tích hơn 4.100 ha, sản lượng trên 53.000 tấn/năm; duy trì 218 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 3.100 ha; 8 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc tham gia của các chủ thể vào chuỗi cung ứng nông sản vẫn còn rời rạc, thiếu gắn kết. Nông sản chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, bán buôn, bán lẻ nhiều cấp độ khác nhau. Sự xuất hiện của nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí, khó truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Mối liên kết giữa nông dân và thương lái mang tính thời vụ, thường phụ thuộc vào nhà thu mua lớn.

Tháo gỡ khó khăn trong liên kết chuỗi, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX trồng cây ăn quả, cây dược liệu; cải tạo vườn tạp; sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí quản lý mã số vùng trồng; tập trung nâng cao năng lực chế biến, bảo quản theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu chuẩn chất lượng và vùng nguyên liệu.

Nông dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, áp dụng công nghệ tưới phun tự động cho vườn cây ăn quả.

Chuyển từ xây dựng “chuỗi cung ứng” sang phát triển “chuỗi giá trị ngành hàng”, đảm bảo minh bạch, trách nhiệm và chia sẻ lợi ích giữa các bên. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông, nhà nước, doanh nghiệp, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối). Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường dẫn dắt chuỗi, hình thành các cụm sản xuất - chế biến - tiêu thụ tại những vùng có sản lượng lớn, điều kiện thuận lợi.

Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La, cho biết: Doveco ưu tiên sử dụng tối đa nguyên liệu tại chỗ, như: Xoài, ngô, nhãn, đậu tương rau… đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản Sơn La và vùng Tây Bắc. Đến nay, doanh nghiệp ký kết với nhiều HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư đạt chuẩn. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất theo quy trình an toàn, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và người nông dân, đã khẳng định những ưu điểm trong phát triển nông nghiệp bền vững. Đây cũng là hướng đi chủ đạo của sản xuất nông nghiệp Sơn La trong thời gian tới.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới