Phát triển cây ăn quả trên đất dốc, cây dược liệu dưới tán rừng và cây ăn quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đã được Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai quan tâm chỉ đạo. 3 năm qua, huyện đã tập trung xây dựng và triển khai các đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó, đặc biệt chú trọng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, đưa cây ăn quả lên đất dốc, phát triển các loại cây dược liệu có triển vọng về hiệu quả kinh tế.
Chị Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuyên truyền nhân dân thay đổi tư duy sản xuất, đưa các loại cây trồng có chất lượng thay thế những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từng bước đưa nông nghiệp của huyện chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đến nay, huyện Quỳnh Nhai có 1.932 ha cây ăn quả các loại, tăng 37,7% so với năm 2020. Trong đó, đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quả lê tại xã Mường Giôn; trồng xoài tại xã Mường Sại, Chiềng Ơn, Chiềng Khoang; trồng dứa queen tại Mường Giôn, Mường Sại, Chiềng Ơn; trồng cam, bưởi tại Nặm Ét... Thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư trồng 300 ha cây mắc ca tại xã Mường Giôn, Mường Chiên, Chiềng Khay; trong đó, một số diện tích sẽ cho thu vào cuối năm nay, mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu mắc ca tập trung tại những khu vực này.
Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Nhai đã khuyến khích nhân dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương và thực hiện các dự án trồng dược liệu có triển vọng cao về hiệu quả kinh tế. Đến nay, bà con nông dân trong huyện đã trồng 80 ha cây sa nhân, 380 ha quế, 22 ha cây thiên niên kiện, 10 ha sả. Năm 2022, sản lượng sả và sa nhân cho thu hoạch đạt 234 tấn, đem lại nguồn thu nhập thêm cho người nông dân.
Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, thông tin: Trước đây, bà con trong xã chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng đất dốc nên hiệu quả không cao. Thực hiện chỉ đạo và hướng dẫn của huyện, xã đã tăng cường tuyên truyền bà con chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như mít, xoài, nhãn, mận hậu, mắc ca... Hiện nay, xã đã có 365 ha cây ăn quả các loại, 380 ha cây quế, thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 6,4%.
Còn tại xã Chiềng Khay, phát huy lợi thế về diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, xã đã vận động bà con trồng 128 ha cây ăn quả, hơn 220 ha quế, duy trì gần 1.500 ha đất sản xuất nông nghiệp trồng cây lương thực và hoa màu. Ông Đặng Thái Học, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Các đoàn thể phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình, dự án giảm nghèo, nguồn hỗ trợ xã hội hóa, giúp bà con phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương đã giúp nhiều gia đình ở xã Nặm Ét phát triển kinh tế và thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình anh Lường Văn Vui, bản Cà Pống chủ yếu trồng ngô, sắn, nhưng đất dốc và cằn cỗi nên không hiệu quả. Năm 2018, gia đình anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng cây ăn quả có múi, 3 năm sau cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Anh Vui phấn khởi nói: Chuyển sang trồng cây ăn quả, vợ chồng tôi phải học hỏi kỹ thuật chăm sóc, phòng sâu bệnh. Nhờ vườn cây ăn quả và kết hợp chăn nuôi, gia đình tôi có thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng, có điều kiện lo cho các con ăn học chu đáo.
Những giải pháp trong chuyển đổi cơ cấu cây nông nghiệp trên đất dốc ở huyện Quỳnh Nhai không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế, những cây trồng mới, như quế, mắc ca còn giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo sinh kế bền vững cho người nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!