Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh, bền vững

Ngày 27/8, Hội Cà phê Sơn La tổ chức Hội nghị thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị cà phê Sơn La theo tiêu chuẩn xanh, bền vững.

Giọng nữ

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Thành phố và đại diện các hội viên của Hội Cà phê Sơn La.

Toàn cảnh Hội nghị.

Hiện nay, tỉnh Sơn La có trên 21.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, sản lượng ước đạt 35.000 - 45.000 tấn cà phê nhân/năm, trị giá 4.500 - 5.000 tỷ đồng. Hiện nay, diện tích cà phê được cấp các chứng nhận bền vững (RA, 4C, VietGAP) và tương đương trên 19.100 ha; có trên 1.120 ha cà phê đặc sản; có 2 vùng sản xuất cà phê được UBND tỉnh cấp quyết định vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao...

Ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 863-KL/TU về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Mục tiêu, giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh thực hiện tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê nhân/năm; giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 100 triệu USD... tạo việc làm, ổn định thu nhập cho trên 18.000 hộ trồng cà phê. Bảo vệ môi trường nước, không khí trong vùng trồng, sơ chế, chế biến cà phê.

Chủ tịch Hội Cà phê Sơn La phát biểu khai mạc Hội nghị.

Qua rà soát, hiện nay, nhiều diện tích cà phê của tỉnh đã già cỗi cần tái canh bằng những bộ giống mới; các cơ sở chế biến nhỏ lẻ chưa thực hiện các biện pháp xử lý môi trường nước thải, chất thải, gây ô nhiễm môi trường; mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại còn nhiều bất cập, nhất là liên kết phát triển vùng nguyên liệu... đã ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê Sơn La.   

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn phát biểu tại hội nghị.
Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Cát Quế phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp sản xuất cà phê thích ứng với quy định không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu có hiệu lực từ tháng 1/2025; giải pháp phát triển sản xuất, chế biến cà phê theo chuỗi kinh tế tuần hoàn xanh và bền vững; sản xuất cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững trong nước và quốc tế...

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Công nhấn mạnh: Để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, thích ứng với các quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh Châu Âu, thời gian tới, các sở, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các bộ giống có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản theo chuỗi liên kết cà phê bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La và khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới.

Vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Chế biến cà phê Honey (Cà phê mật ong) trong nhà kính.

 

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới