Thúc đẩy “chuyển đổi xanh” trong sản xuất cà phê

Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La của Việt Nam, xem xét tác động của Covid-19” (CRAS) đã tạo bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành cà phê phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái.

Giọng nữ

Thay đổi tư duy trồng cà phê

Dự án CRAS do Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế liên bang Đức (BMZ) tài trợ, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Cam-pu-chia và Việt Nam thực hiện. Dự án CRAS hợp phần tại Việt Nam được GIZ phối hợp với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai tại 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Các đại biểu tham quan khu vực chế biến cà phê đặc sản của HTX cà phê Bích Thao, Thành phố.

Triển khai tại tỉnh Sơn La từ tháng 3/2021 đến tháng 9/2024, Dự án CRAS đã hỗ trợ thiết thực các hoạt động: Tập huấn, đào tạo và xây dựng mô hình nhằm nâng cao năng lực sản xuất cà phê bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng, số hóa tài liệu tập huấn ToT, ToF tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về canh tác cà phê bền vững, quản lý, chế biến, kinh doanh và các kỹ năng cần thiết khác cho trên 3.000 lượt nông dân và cán bộ khuyến nông. Bên cạnh đó, xây dựng 3 mô hình vườn ươm, 16 ha vườn đầu dòng giống cà phê mới năng suất cao; hỗ trợ thực hiện các mô hình trồng xen, tái canh cà phê giống chất lượng cao...

Chị Hà Thị Bình, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Được tham gia lớp tập huấn về canh tác cà phê bền vững của Dự án CRAS, đã làm thay đổi cách nhìn của tôi về sản xuất cà phê. Tôi quan tâm hơn đến việc canh tác thân thiện với môi trường bằng cách duy trì thảm cỏ, bảo vệ đất, tỉa cành, sử dụng cây che bóng hợp lý và quản lý dịch hại tổng hợp. Sau 4 năm áp dụng các biện pháp canh tác hữu cơ, đất sản xuất cà phê của gia đình dần được cải tạo, cây trồng khỏe mạnh, ít sâu bệnh hại, năng suất ổn định, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trong hơn một năm qua, 12 thành viên của HTX Nông nghiệp Chiềng Xét, Thành phố đã thay đổi cách chăm sóc cà phê, chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ trên diện tích 45 ha. Hầu hết, diện tích cà phê của các thành viên HTX đều đã trồng gần 30 năm, cây già cỗi nên năng suất, chất lượng quả không cao. Sau khi được đào tạo về canh tác hữu cơ, bao gồm cắt tỉa, tạo tán và sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo đất, đã giúp nâng cao năng suất và chất lượng cà phê.

HTX Ara-Tay Coffee giới thiệu các sản phẩm cà phê.

Ông Quàng Văn Diên, Giám đốc HTX, cho biết: Niên vụ 2023-2024, HTX đã cung cấp 12 tấn cà phê nhân đặc sản cho HTX cà phê Bích Thao để xuất khẩu, mang lại doanh thu hơn 1,1 tỷ đồng. Hiện tại, HTX đang tích cực tái canh với mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất cà phê hữu cơ bằng các giống mới chất lượng cao.

Hợp tác cùng phát triển

Tại Sơn La, dự án CRAS đã triển khai hỗ trợ đa dạng các HTX và doanh nghiệp cà phê, gồm: HTX cà phê Bích Thao, HTX Nông nghiệp Chiềng Xét, HTX Ara-Tay Coffe, Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La và Công ty cổ phần Cà phê Detech.

Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến giới thiệu các sản phẩm cà phê giống mới chất lượng cao. 

Từ năm 2021, dự án tập huấn cho hơn 2.600 lượt nông dân và cán bộ quản lý về canh tác bền vững và quản lý kinh doanh. Bên cạnh đó, xây dựng 4 mô hình sản xuất và chế biến cà phê Arabica hữu cơ bền vững với quy mô 100 ha; mô hình chế biến cà phê tiết kiệm nước; mô hình liên kết sản xuất tập trung và mô hình nông lâm kết hợp,...

Đặc biệt, dự án hỗ trợ cấp chứng nhận quốc tế cho hơn 370 ha cà phê đạt chuẩn Rainforest Alliance (RA) và trên 400 ha đạt chứng nhận Cafe Practices (CP), mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cao cấp cho các đơn vị tham gia. Các mô hình thực tế như sản xuất cà phê hữu cơ, nuôi giun quế và chế biến cà phê tiết kiệm nước cũng được triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua các hoạt động hỗ trợ này, dự án CRAS góp phần nâng cao năng lực sản xuất, thúc đẩy liên kết giữa các bên trong chuỗi giá trị và hướng tới phát triển bền vững cho ngành cà phê Tây Bắc.

Bà Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX Ara-Tay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Dự án CRAS không chỉ cung cấp kiến thức khoa học về sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, còn hỗ trợ trang thiết bị, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại và liên kết sản xuất, chế biến. Nhờ đó, 70 ha cà phê của HTX và 300 hộ liên kết đã chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, cho ra đời 4 sản phẩm cà phê chất lượng cao là: Cà phê nhân xanh Natural, cà phê Honey nhân xanh, cà phê bột và hạt Natural, cà phê bột và hạt Honey. Sản phẩm cà phê của HTX Ara-Tay Coffee được người tiêu dùng đón nhận và có mặt tại nhiều cửa hàng cà phê trên toàn quốc. Niên vụ 2023-2024, HTX xuất bán 8-10 tấn cà phê, đạt doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/hộ thành viên.

Dự án CRAS đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ Công ty cổ phần Cà phê Detech đạt được chứng nhận Rainforest Alliance (RA) tại Sơn La. Thông qua các khóa đào tạo về chứng nhận RA và hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, dự án giúp Công ty nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên và nông dân liên kết. Thành quả rõ nét từ tháng 9/2023 đến tháng 8/2024, Detech nhận chứng nhận RA cho chuỗi cung ứng liên kết với 500 hộ dân tại xã Chiềng Mai. Nhờ đó, Công ty thu mua và chế biến hơn 4.200 tấn cà phê tươi từ các hộ này, mang lại giá trị sản phẩm cao hơn và thu nhập ổn định cho bà con trong niên vụ 2023-2024.

Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng bộ phận bền vững của Công ty cổ phần cà phê Detech, cho biết: Không chỉ dừng lại ở việc đạt chứng nhận, Detech còn chủ động đầu tư 17 ha vườn cà phê Arabica giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là bước đi quan trọng, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo phát triển bền vững của công ty.

“Chuyển đổi xanh” - sản xuất cà phê bền vững

Phương thức sản xuất cà phê bền vững đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn tỉnh Sơn La, thúc đẩy nông hộ thay đổi kỹ thuật canh tác và hướng tới các chuỗi liên kết đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Sự chuyển biến này, được củng cố thêm bằng Kết luận số 863-KL/TU ngày 11/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cà phê ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030. Qua đó, các địa phương đang tích cực vận động nông dân tham gia tái canh, ghép cải tạo và phát triển cà phê bền vững. Tính đến nay, Sơn La có hơn 1.344 ha cà phê được tái canh, đốn trẻ hóa và ghép cải tạo, trong đó, diện tích cà phê đặc sản đạt trên 1.100 ha, sản lượng gần 1.000 tấn; hơn 19.100 ha cà phê đã đạt chứng nhận quốc tế như RA, 4C, khẳng định vị thế và chất lượng cà phê Sơn La trên thị trường toàn cầu.

Nông dân bản Đen, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn chăm sóc vườn cà phê.
Ảnh: PV

Tại Hội nghị tổng kết Dự án CRAS, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những đóng góp của Dự án CRAS trong việc thay đổi nhận thức và cách thức sản xuất của nông hộ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, từng bước giúp người dân chống chịu với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Nhấn mạnh tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân áp dụng canh tác bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đẩy mạnh tái canh, cải tạo cà phê và đưa các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng và giữ vững thương hiệu cà phê Sơn La.

Những thành công bước đầu của Dự án CRAS, góp phần nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho nông dân Sơn La; ngày càng khẳng định vị thế cà phê Sơn La trên bản đồ cà phê thế giới, không chỉ bằng hương vị độc đáo, còn bằng những nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng một ngành cà phê xanh, sạch và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới