Phát huy lợi thế nhiều khe suối và lượng nước nhiều, ổn định từ các mó nước, nhiều nông dân xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, đã đào ao, nuôi cá làm nguồn thực phẩm phục vụ sinh hoạt gia đình và làm hàng hóa để tăng thêm thu nhập.
Hiện nay, xã có 26,6 ha ao cá, chủ yếu nuôi là các loại cá: Trắm cỏ, chép, mè trắng, trôi trắng... Hàng năm, sản lượng cá thu hoạch đạt trên 42 tấn, doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng. Để có được kết quả trên, xã đã khuyến khích nhân dân đào ao thả cá; triển khai các chính sách hỗ trợ bà con phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho các hộ gia đình.
Hằng năm, xã đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là công tác vệ sinh ao nuôi cá, phòng trị bệnh cho cá. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 454 hộ vay trên 21,7 tỷ đồng vốn ưu đãi, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, trong đó, có đầu tư, nâng cấp ao nuôi cá. Tổ chức cho nông dân đến thăm mô hình nuôi cá giống, cá thương phẩm tại hiệu quả tại các xã trên địa bàn huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Riêng năm 2022, Đoàn 326 hỗ trợ hơn 2 tạ cá giống cho các 20 hộ dân nuôi cá trên địa bàn...
Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, cho biết: Để đảm bảo cá thương phẩm đạt chất lượng, bà con đã sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn, như: Cám ngô, cỏ voi, lá ngô, lá sắn... Xã đã vận động nhân dân trồng hơn 65 ha cỏ voi làm thức ăn cho cá và đàn trâu, bò nuôi nhốt chuồng. Các hộ gia đình còn trồng thêm chuối để thu hoạch sản phẩm quả và tận dụng lá chuối làm thức ăn cho cá. Do sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên năng suất cá không cao, nhưng chất lượng thịt cá luôn đảm bảo thơm ngon, vì vậy được các thương lái thu mua với giá cao hơn những vùng khác.
Để cải thiện bữa ăn hằng ngày, nhiều hộ đã chú trọng chăm sóc và mở rộng diện tích để tăng sản lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đơn cử như hộ anh Lường Văn Doãn, bản Liềng, nuôi cá hơn 10 năm nay với tổng diện tích hơn 2.000 m2, chia thành 3 ao nhỏ nuôi gối để đảm bảo lúc nào cũng có cá xuất bán.
Anh Doãn cho biết: Đảm bảo đầy đủ nguồn thức ăn cho cá, tôi trồng cỏ voi, chuối xung quanh bờ ao và bổ sung thêm bột ngô. Gia đình nuôi cá chép, trắm, rô phi đơn tính và bán tại các chợ trung tâm huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Cá to thì các nhà hàng ăn đã đặt trước nên không khó khăn đầu ra. Nhờ nuôi cá, mỗi năm gia đình tôi có thêm thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng.
Đến thăm gia đình anh Lò Văn Đoàn, bản Mạt, đúng thời điểm anh đang thuê máy xúc để đào ao. Khu này vốn là diện tích ruộng kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn, gia đình anh Đoàn được địa phương hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang ao nuôi cá.
Anh Đoàn chia sẻ: Hiện nay, gia đình đã có 2 ao nuôi cá rộng hơn 5.000 m2, nhận thấy hiệu quả kinh tế, gia đình đã đầu tư hơn 30 triệu đồng để đào thêm ao mới. Với kinh nghiệm nuôi cá ao và kiến thức học được từ các lớp tập huấn, tôi luôn quan tâm khâu chọn giống, chú ý chọn con giống khỏe, cá đồng cỡ khoảng 0,5 kg/con, cá nuôi sẽ ít bệnh, mua về nuôi thêm khoảng 1 năm, trọng lượng tăng nhanh khoảng 2,5 - 3 kg/con có thể xuất bán. Mỗi năm, gia đình thu được trên 2,5 tấn cá, sau khi trừ các chi phí thu lãi về trên 120 triệu đồng.
Tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh thủy sản, phấn đấu trở thành “đòn bẩy” giúp nhân dân thoát nghèo, xã Mường Lèo tiếp tục vận động nhân dân có chung điều kiện sản xuất, kinh doanh thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản, hình thành khu sản xuất, kinh doanh cá ao tập trung. Tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn phù hợp với điều kiện tự nhiên và có khả năng nhân rộng. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thủy sản của địa phương, tạo đầu ra ổn định và hiệu quả kinh tế cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!