Thực hiện Chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 6/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tham gia thảo luận tại Tổ đối với 3 dự thảo luật, gồm: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
.jpg)
Đại biểu Vi Đức Thọ phát biểu tại phiên thảo luận tổ.
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đề nghị giải thích cụ thể về khái niệm "Doanh nghiệp đổi mới công nghệ"; tại khoản 5, Điều 4 (Nguyên tắc và chính sách hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo) quy định về “doanh nghiệp đổi mới công nghệ” nhưng dự thảo luật chưa có khái niệm thế nào là “doanh nghiệp đổi mới công nghệ”. Đề nghị bỏ cụm từ "tổ chức chính trị - xã hội", bổ sung cụm từ "Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" nhằm phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật. Đại biểu Vi Đức Thọ cho rằng, dự thảo luật có hơn 50% số điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vượt quá 50% số nội dung cần sửa đổi, đề nghị rà soát, cụ thể hóa các nội dung này trong dự thảo luật.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung tại khoản 5, Điều 4 về Liên hiệp các hội, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp phù hợp với việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo đúng, đủ thống nhất về nội dung này khi dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định các tổ chức này là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị bổ sung rõ cơ quan có trách nhiệm cập nhật thông tin về liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp tại khoản 4, Điều 7 nhằm đảm bảo chặt chẽ về kỹ thuật lập pháp, đồng thời gắn liền trách nhiệm cũng như tính giá trị trong xác nhận về liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đề nghị quy định về việc xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu về các đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo nhằm hạn chế tình trạng trùng lặp, dẫn đến việc giảm giá trị trong nghiên cứu khoa học, tốn kém nguồn lực xã hội. Làm rõ thêm việc quản lý của cơ quan chức năng trong liêm chính khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đối với vấn đề chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung tại khoản 2, Điều 9 về các yếu tố khách quan, bất khả kháng ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu khoa học, nhằm đảm bảo chặt chẽ và yếu tố khách quan trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm thể hiện rõ nỗ lực, cố gắng cũng như minh bạch và các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến kết quả thực hiện; đề nghị bổ sung một số nội dung tại Điều 12 về chủ thể "cá nhân" trong nghiên cứu khoa học; Điều 24 về tác giả của kết quả nghiên cứu khoa học là "nhóm tác giả".

Đại biểu Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đề nghị cần có chính sách rõ ràng, đồng bộ về khoa học công nghệ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo. Đại biểu phản ánh, nhiều quy định về ưu đãi đầu tư, đào tạo nhân lực trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2023 đã bị lược bỏ, khiến địa phương thiếu cơ sở pháp lý để triển khai. Trong khi đó, thực tế cho thấy vùng khó khăn rất thiếu nhân lực kỹ thuật tại chỗ – yếu tố then chốt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. “Không có chính sách đào tạo, không có người hiểu địa phương, thì chuyển giao công nghệ sẽ không thành công”, đại biểu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị bổ sung các quy định cụ thể trong luật để đảm bảo cơ hội phát triển công nghệ cho vùng khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, đánh giá cao công tác chuẩn bị dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị điều chỉnh khoản 3, Điều 6 về hành vi bị cấm, vì quy định hiện tại có thể gây hiểu nhầm và làm các tổ chức, cá nhân e ngại thử nghiệm công nghệ mới do lo ngại bị xử lý khi xảy ra tác động khách quan không mong muốn. “Thử nghiệm là bản chất của sáng tạo. Nếu không phân biệt giữa yếu tố chủ quan và khách quan, sẽ không ai dám làm”, đại biểu nhấn mạnh. Ngoài ra, đại biểu cũng băn khoăn khi dự thảo luật có trên 50% số điều giao Chính phủ quy định chi tiết, khiến vai trò lập pháp của Quốc hội bị mờ nhạt. Một số điều luật chỉ có 1-2 dòng, nội dung sơ sài, cần được gộp lại để tăng tính chặt chẽ, tránh hình thức.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!