Sốp Cộp xây dựng sản phẩm OCOP

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã thu hút nông dân, HTX tham gia, với những sản phẩm nông sản đặc trưng, tiêu biểu của huyện. Đến nay, huyện có 3 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt 3 - 4 sao.

Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp được người tiêu dùng ưa chuộng.

Gạo nếp tan được đồng bào dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú, xã Mường Và, gieo trồng từ nhiều đời nay, đây là loại nếp ngon nhất trong các loại lúa trồng trong huyện. Năm 2018, lúa nếp tan được cấp chứng nhận bảo hộ, thương hiệu “Gạo nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Huyện đã xây dựng hệ thống nhãn hiệu cũng như các quy định quản lý, sử dụng, kiểm soát nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm này. Đồng thời, quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm theo chuỗi giá trị, hỗ trợ hệ thống truy xuất nguồn gốc. Năm 2019, gạo nếp tan Mường Và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Gạo nếp tan Mường Và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019.

Bà Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Xã có 292 ha lúa, sản lượng đạt hơn 1.570 tấn/năm, chủ yếu là giống tan hin, tan nhe, tan đỏ. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định, giá từ 30 - 35 nghìn đồng/kg. Đến nay, đã có 250 hộ gia đình, đơn vị đăng ký nộp hồ sơ xin sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo nếp Mường Và - Sốp Cộp”. Xã đang từng bước mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, còn phối hợp với các đơn vị, HTX hoàn thiện quy trình thủ tục hồ sơ sản phẩm cam Nà Mòn tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh trong thời gian tới.

Sản phẩm cam Nà Mòn, xã Mường Và phấn đấu đạt sản phẩm OCOP năm 2023.

Sản phẩm OCOP “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” của HTX Long Hiếu, bản Hua Mường, xã Sốp Cộp cũng được nhiều người biết đến. Tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, HTX đã hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Năm 2022, sản phẩm “Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, đã bán ra thị trường gần 3.000 hộp, với giá 300 nghìn đồng/hộp cho các cửa hàng, siêu thị trong tỉnh và các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội...

“Viên hà thủ ô mật ong rừng Sốp Cộp” sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Ngoài ra, huyện còn có sản phẩm “Thịt trâu gác bếp Tân Cương” của HTX Toản Duyên được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Các sản phẩm OCOP được gắn với quản lý sản phẩm trên tem điện tử thông minh để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp, HTX sản xuất.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Sốp Cộp.

Từ khi triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đến nay, huyện đã hỗ trợ hơn 550 triệu đồng cho các hộ, HTX, doanh nghiệp để thiết kế bao bì, in ấn nhãn mác, tem và thiết kế website... Đồng thời, khuyến khích các hộ, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn duy trì, phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn ghi nhãn mác hàng hóa, mã số, mã vạch, đăng ký tham gia chương trình và tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm cấp huyện nhằm lựa chọn, đề xuất các sản phẩm tham dự đánh giá cấp tỉnh.

Ông Vì Văn Định, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Thời gian tới, huyện tập trung phát triển các sản phẩm mới, đặc trưng trên cơ sở nhóm thực phẩm, thảo dược, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng như VietGAP, GlobalGAP. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2025, huyện có thêm từ 4 sản phẩm trở lên được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Những sản phẩm OCOP của huyện Sốp Cộp được người tiêu dùng ưa chuộng, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nhân dân.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới