Với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, thổ nhưỡng màu mỡ, những năm qua, huyện Phù Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế vào sản xuất gắn với ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện đạt gần 22.000 ha, với các loại cây trồng truyền thống, như lúa, ngô, chè... Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng kỹ thuật hiện đại và sản xuất nông sản an toàn đạt khoảng 1.000 ha, gồm: Tưới nhỏ giọt đạt 192,7 ha; phủ màng đất, sử dụng nhà màng cho một số loại rau, củ, quả đạt trên 7.300 m²; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP và sản xuất hữu cơ trồng các loại cây lâu năm, cây ăn quả trên 800 ha.
Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện hỗ trợ trên 548 triệu đồng cho 9 HTX thiết kế nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm và hoàn thành các thủ tục đăng ký quy trình sản xuất VietGAP từ nguồn vốn Nghị quyết 128 của HĐND tỉnh và vốn ngân sách địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút các HTX tham gia hoạt động lĩnh vực chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao để xây dựng mô hình điểm, giúp nông dân trong huyện đến học tập, nhân diện rộng, tạo sự lan tỏa.
Trên địa bàn huyện Phù Yên có 20/59 HTX đã triển khai áp dụng khoa học, công nghệ sản xuất nông nghiệp và ứng dụng phương pháp sản xuất an toàn. Năm 2023, căn cứ vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển nông nghiệp được phân bổ và nhu cầu đăng ký hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND huyện đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng cho các HTX có nhu cầu đăng ký lắp đặt hệ thống tưới ẩm, thiết kế nhãn mác, bao bì và kinh phí cấp Giấy chứng nhận VietGAP.
Đồng thời, khuyến khích các HTX có đủ khả năng về nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất tham gia các dự án thử nghiệm cây trồng mới. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân kỹ thuật, kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Từ đó, giúp bà con nhanh chóng nắm bắt quy trình kỹ thuật sản xuất, sớm có cơ sở đánh giá hiệu quả để nhân rộng các loại cây trồng mới ở các địa phương.
HTX Đồng Tiến, xã Mường Do, có 10 thành viên. HTX đầu tư 300 triệu đồng xây dựng 1.200 m² nhà màng trồng các loại cây rau, quả, như cà chua bi, dâu tây, cùng một số loại dưa lưới, dưa lê. Mức độ thích nghi với điều kiện tự nhiên khá tốt, sản lượng đạt 3 tấn/năm, giá bán bình quân từ 15-20 nghìn đồng/kg. Anh Hà Văn Đức, Giám đốc HTX Đồng Tiến, xã Mường Do, chia sẻ: Do số đơn đặt hàng của khách hàng ngày càng nhiều, HTX mở rộng thêm 1.500 m2 nhà màng mới, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ trang bị hệ thống tưới ẩm, nhờ đó mà tiết kiệm được nhân lực, hiệu quả chất lượng rau quả cũng nâng lên.
Căn cứ vào điều kiện tự nhiên, năng lực sản xuất của các xã trên địa bàn, huyện cũng triển khai trồng thử nghiệm và đưa ra đánh giá trước khi nhân rộng các loại cây trồng như chanh leo, gai xanh cùng với các loại cây rau màu. Theo đó, toàn huyện đã trồng triển khai 40 ha chanh leo ở xã Mường Do và Kim Bon; 257 ha cây gai xanh tại 9 xã.
Bên cạnh đó, mở rộng diện tích trồng rau màu lên 407,5 ha tại các xã thuộc cánh đồng Mường Tấc và một số xã nằm dọc theo quốc lộ 37, sản lượng đạt 1.910 tấn/năm. Các loại cây trồng này đã mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nông dân với mức 25 triệu đồng/ha trở lên. Trong đó, cây gai xanh thu nhập bình quân 30-35 triệu đồng/ha/vụ; các loại cây rau, củ, quả thu nhập 50-55 triệu đồng/ha. Đặc biệt, trên 2.500 ha cây ăn quả có múi, trong đó gần 500 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất sản phẩm an toàn, hữu cơ...
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, giúp nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Phù Yên tiếp tục hỗ trợ nông dân phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ và hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!