Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 4/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp của huyện ngày càng khởi sắc; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu.
Nghị quyết số 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hình thành và phát triển 15 vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản tập trung, gồm vùng chè, sắn, mía, rau, ngô, cà phê, dược liệu, gia súc, gia cầm, thủy sản... phục vụ các nhà máy chế biến; duy trì và phát triển sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu được bảo hộ; triển khai hiệu quả chương trình OCOP; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản...
Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể tại địa phương, đơn vị. Tổ chức cho các xã, thị trấn học tập kinh nghiệm các huyện trong tỉnh để đề xuất giải pháp thực hiện. Đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhất là phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Phân công rõ nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để thực hiện hiệu quả. Lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai các dự án hỗ trợ cây, con giống cho nhân dân.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, huyện đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, chủ yếu tập trung chuyên canh cây chè, cà phê, khoai sọ và các loại cây ăn quả; các xã vùng cao, vùng sâu phát triển nông, lâm nghiệp; vùng dọc sông Đà phát triển cây cà phê, cao su, trồng rừng, khai thác mặt nước hồ sông Đà nuôi thủy sản. Đồng thời, quan tâm tổ chức xúc tiến thương mại, truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hóa nông sản của huyện đến với thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, huyện có 1.398 ha cây chè, đạt trên 93% chỉ tiêu nghị quyết; 5.981 ha cà phê, vượt 115% chỉ tiêu; 4.289 ha cây ăn quả, đạt 93% chỉ tiêu. Hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gồm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, chanh leo, nhãn, khoai sọ, nhãn hữu cơ, cà phê, rau quả trái vụ. 25 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với trên 400 ha; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Du Bai, Nhật Bản... Riêng năm 2023, huyện tiêu thụ trên 7.100 tấn quả các loại; trong đó, xuất khẩu 50 tấn thanh long sang thị trường châu Âu và 120 tấn chuối, 160 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc; tiêu thụ, xuất khẩu 1.390 tấn chè, 3.519 tấn cà phê.
Với lợi thế diện tích rộng và nhân dân có kinh nghiệm chăn nuôi, hiện nay, huyện có trên 61.000 con đại gia súc; 734.800 con gia cầm; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 9.000 tấn/năm. 78% số hộ chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại kiên cố, bán kiên cố; 125 hộ nuôi gia trại, trang trại từ 20-40 con đại gia súc; gần 1.500 hộ nuôi từ 5-12 con trâu, bò. Ngoài ra, 5 doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ cao, với 408 lồng cá, 1.100 đàn ong, 3.000 con lợn, 2,14 ha mặt nước nuôi thủy sản được cấp giấy chứng nhận sản xuất VietGAP. Sử dụng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trong việc trồng rừng, như sơn tra, mắc ca, dược liệu... Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý toàn cầu như công nghệ GIS, ảnh vệ tinh trong quản lý, bảo vệ rừng.
Đồng chí Bạc Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã Mường Khiêng, cho hay: Căn cứ vào quy hoạch chung của huyện, xã phân vùng quy hoạch trồng cây ăn quả phù hợp; vận động thành lập HTX liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Đến nay, xã có trên 800 ha cây ăn quả, gồm xoài, mận, nhãn, chuối...; trong đó, 37 ha xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Ngoài ra, bà con khai thác lợi thế vùng lòng hồ để phát triển hơn 14 ha cá; chăn nuôi hơn 4.700 con trâu, bò. Năm 2023, xã tiêu thụ gần 1.000 tấn quả các loại, trong đó xuất khẩu 50 tấn xoài sang thị trường Trung Quốc.
Thăm mô hình bưởi của Công ty cổ phần nông sản sạch Sơn La, bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha, anh Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty, cho hay: Tháng 1/2018, Công ty trồng 10 ha bưởi ruột hồng, ruột đỏ, chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật và EU, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học, sử dụng toàn bộ phân chuồng, phụ phẩm nông nghiệp, định kỳ cung cấp đạm bằng đậu tương, ngô, chuối nghiền nhỏ, phun thuốc bằng các loại thảo mộc. Hiện nay, Công ty có hơn 1.000 cây bưởi, sản lượng 60 tấn quả/năm, giá bán trung bình 60.000 đồng/kg. Hiện tại, 10 ha bưởi đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và các đoàn thể, cùng sự đồng thuận của nhân dân; đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!