Những năm qua, kinh tế hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang có nhiều chuyển biến phù hợp, đóng góp tích cực trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thành viên HTX Tiên Sơn, xã Mường Bon (Mai Sơn) sản xuất rau an toàn.
Năm 2016, tỉnh ta thành lập mới 75 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên 179 HTX với hơn 4.400 thành viên, 2.240 lao động. Các HTX nông nghiệp chủ yếu hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp cho các thành viên về trồng cây ăn quả; phát triển rau, củ quả; nuôi trồng thủy sản. Đối với HTX cây ăn quả hiện đang trồng các loại cây nhãn, xoài, bưởi da xanh, na, thanh long ruột đỏ, cam, quýt, chanh leo, táo,...; nhiều HTX đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ tưới nhỏ giọt vào sản xuất cho thu nhập cao, như: xoài Đài Loan GL4, xoài Thái, nhãn chín muộn, hồng giòn MC1, đào chín sớm, cam đường canh,... Các HTX rau, củ quả đang có tổng diện tích hơn 107 ha, sản lượng ước đạt khoảng 4.000 tấn/năm, với các chủng loại chủ yếu là rau ăn lá, ngọn, củ, quả và rau gia vị. Đối với các HTX thủy sản, hiện đang có trên 2.500 lồng cá, tập trung chủ yếu ở các xã vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; một số HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ nuôi cá lồng tập trung như HTX vận tải Hợp Lực, HTX thủy sản Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai), HTX thủy sản Tường Phong (Phù Yên).
Thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị của ngành triển khai hỗ trợ 15 chuỗi sản xuất cho 14 HTX và 1 Tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ 6 HTX sản xuất rau, củ được cấp Giấy chứng nhận VietGAP; 13 HTX sản xuất rau, củ được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng hệ thống nhà lưới cho 2 HTX và 1 Tổ hợp tác trồng rau với quy mô 8.200 m2; các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ vốn cho các HTX trồng cây ăn quả, hỗ trợ làm lồng cá cho HTX nuôi cá lồng được gần 15 tỷ đồng.
Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được thì các HTX nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế, như: hoạt động còn cầm chừng; kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa cao; quy mô hoạt động tuy tăng nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cơ sở hạ tầng; công nghệ chế biến, bảo quản của nhiều HTX nông nghiệp còn lạc hậu, sản lượng cây ăn quả, rau, củ, thủy sản chưa cao; thị trường tiêu thụ còn nhiều khó khăn, thiếu ổn định; chính sách ưu đãi cho các HTX nhiều nhưng chưa đồng bộ, chưa được vận dụng cụ thể để các HTX tiếp cận và thụ hưởng.
Để xây dựng và phát triển các HTX trên địa bàn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, các cấp, ngành cần tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn thành lập mới các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX nông nghiệp. Cần xác định và phát triển các ngành nông sản chủ lực để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh; khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát. Hỗ trợ tập huấn các quy trình kỹ thuật tiên tiến, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao; quan tâm phát triển dịch vụ khu vực nông thôn, như: dịch vụ cung ứng giống, vật tư; dịch vụ thủy lợi, làm đất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; dịch vụ chế biến, lưu thông phân phối... Tiếp tục vận dụng tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình quốc gia về lao động, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông thôn, các hoạt động khuyến nông, khuyến công trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!