Nông sản Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La năm 2023 đạt 177,6 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2022. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đã liên kết mở rộng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, tiếp tục chinh phục thêm những thị trường mới, tiềm năng.

Sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu

Về huyện Mai Sơn - trung tâm chế biến nông sản của tỉnh, những ngày giáp Tết Nguyên đán. Không khí lao động tại các nhà máy chế biến nông sản nhộn nhịp, khẩn trương. Những chuyến xe chở mía, sắn, cà phê tấp nập đưa nguyên liệu về nhà máy sản xuất để kịp các đơn hàng cho đối tác.

Tại Chi nhánh Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên - Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, công nhân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Công ty, thông tin: Đang cao điểm sản xuất, trung bình mỗi ngày nhà máy thu mua 800-1.000 tấn sắn củ tươi từ vùng nguyên liệu của Sơn La, Điện Biên và Lai Châu để phục vụ chế biến 3 ca/ngày. Năm nay, sắn tươi được giá hơn năm trước, giá trung bình 2.500 đồng/kg. Đến nay, nhà máy thu mua 50.000 tấn sắn củ tươi, sản xuất 12.000 tấn tinh bột thành phẩm để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Khởi hành xuất khẩu nhãn sang thị trường Trung Quốc, EU và Vương Quốc Anh GB năm 2023.

Đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy, với sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, Công ty  cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gần 12.000 ha trên địa bàn các huyện. Chị Nguyễn Hằng Nga, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Sơn La, chia sẻ: Năm 2023, Công ty thu mua trên 23.000 tấn xoài, ngô ngọt, đậu tương rau, dứa Queen, rau chân vịt, sản xuất trên 3.700 tấn sản phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Năm 2024, Doveco Sơn La dự kiến xuất khẩu khoảng 40.000 tấn sản phẩm sang thị trường chủ yếu là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel.

Còn tại HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, các thành viên phấn khởi, tất bật cho đơn hàng xuất khẩu 2 tấn thanh long ruột đỏ sang Scotland, đây là thị trường mới mở ra trong năm. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, vui mừng nói: HTX có 215 thành viên, quy mô 1.000 ha cây ăn quả các loại. Quả thanh long ruột đỏ xuất khẩu của HTX luôn đảm bảo các tiêu chuẩn: Có mã số vùng trồng, kiểm soát toàn bộ quy trình từ chăm sóc, thu hái, bảo quản, kiểm nghiệm. Vui mừng, năm nay, quả thanh long ruột đỏ tiếp tục tiêu thụ tốt tại thị trường truyền thống Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Hà Lan, Ấn Độ... Cũng trong năm, HTX thu mua thêm 2.000 tấn xoài, chế biến xoài sấy dẻo xuất khẩu sang Nhật Bản.

Đối với cà phê - sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đang từng bước tạo dựng thương hiệu trên thị trường, bước đầu tham gia vào chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, xuất khẩu sang 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN. Toàn tỉnh có 9 cơ sở sơ chế cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Cà phê Sơn La đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La” cho 6 tổ chức.

Hãnh diện chia sẻ hành trình đưa thương hiệu Blue Sơn La ra thế giới, ông Vũ Ngọc Huy, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, nói: Công ty đang liên kết với hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn các xã của huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La trồng trên 2.000 ha cà phê có chứng nhận RA - chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, đây là cơ sở, đảm bảo chất lượng cho thương hiệu Blue Sơn La được thị trường cà phê thế giới đón nhận.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Sơn La được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đàm phán với nước nhập khẩu cấp 293 mã số vùng trồng xuất khẩu; duy trì, phát triển 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; công nhận 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 27 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp bằng bảo hộ đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu. Các sản phẩm nông sản đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước; 17 sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La xuất khẩu sang thị trường 21 nước.

Vietnam Airlines phục vụ món tráng miệng là “Mận Sơn La” trong bữa ăn trên khay cho hành khách hạng thương gia.

Cùng với xây dựng vùng nguyên liệu, năm 2023, hoạt động xúc tiến thương mại để lại nhiều dấu ấn. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, vui mừng: Sở Công Thương phối hợp các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nổi bật, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23 (CAEXPO 2023) tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy là lần đầu tiên tham dự, nhưng gian hàng trưng bày, giới thiệu về tỉnh Sơn La vinh dự được Ban tổ chức Hội chợ trao giải thiết kế và tổ chức Khu Gian hàng quốc gia ấn tượng nhất.

Với nhiều giải pháp tích cực, hoạt động xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La đạt kết quả nổi bật. Sản phẩm nông sản của tỉnh nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đối tác chế biến, xuất khẩu và người tiêu dùng trong, ngoài nước. Năm 2023, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La ước đạt 177,6% triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2022. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu, chủ yếu: Cà phê 22.800 tấn, sắn trên 78.000 tấn, chè 10.600 tấn, nhãn trên 5.430 tấn, chanh leo trên 1.400 tấn và chuối trên 4.500 tấn...

Đưa nông sản tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Hiện nay, Hiệp định EVFTA tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản Sơn La vào thị trường EU thuận lợi hơn khi được ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, các hàng rào phi thuế quan được dựng lên ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu thông qua quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, EU cấm nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam nếu được sản xuất trên đất phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020; tất cả 100% các sản phẩm nông nghiệp vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám.

Kiểm tra thanh long xuất khẩu tại HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn.

Chủ động thích ứng với các quy định của phía bạn, UBND tỉnh Sơn La xây dựng, ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và các sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR). Cùng với đó, tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết; tăng cường cập nhật thông tin thị trường; đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản; ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường tính liên kết vùng để phát triển các trung tâm dịch vụ logistics giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ các dịch vụ xuất khẩu.

Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động của doanh nghiệp và sự nỗ lực của hộ dân, năm 2023, nông sản Sơn La có thêm những bước tiến, chinh phục thị trường mới tiềm năng như Scotlen và một số nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông. Đây là động lực để tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2024 xuất khẩu đạt 186 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2023, đưa giá trị nông sản, thực phẩm vươn xa ra thế giới.

Bài, ảnh: Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới